Vụ trưởng Vụ Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí, Bộ Ngoại giao Nga, ông Vladimir Yermakov nêu rõ Moskva thấy cần phải bình ổn quan hệ giữa các cường quốc hạt nhân và không từ chối khả năng đạt được các hiệp ước an ninh mới với phương Tây trong tương lai.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS, ông Yermakov khẳng định: "Cấu trúc an ninh quốc tế không nên chỉ là lời nói suông, mà thay vào đó, các bên cần cân nhắc lợi ích cơ bản của nhau.
Muốn vậy, trước hết cần ổn định quan hệ giữa các cường quốc hạt nhân - là các nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - và gánh trách nhiệm đặc biệt trong việc bảo đảm hòa bình và an ninh toàn cầu.”
[Số đầu đạn hạt nhân sẵn sàng sử dụng trên toàn cầu tiếp tục tăng]
Theo ông Yermakov, nếu Mỹ và các đồng minh sẵn sàng cho một cam kết như vậy, sẽ có cơ hội cho những thỏa thuận mới, khả thi trong các lĩnh vực ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí.
Ông cũng cho biết thêm rằng Nga “không bao giờ từ bỏ khả năng như vậy trong tương lai,” sau khi đạt được các mục tiêu của hoạt động quân sự đặc biệt đang diễn ra tại Ukraine.
Ông nhấn mạnh: “Quan hệ của Moskva với phương Tây trong lĩnh vực an ninh phải dựa trên các công cụ pháp lý quốc tế," song lưu ý rằng điều đó chỉ có thể thực hiện được nếu tính đến lợi ích của Nga.
Đồng thời, theo nhà ngoại giao này, điều này chỉ có thể thực hiện được nếu tính đến lợi ích của Nga. Chính cách tiếp cận này được đặt ra trong khái niệm chính sách đối ngoại cập nhật.
Bên cạnh đó, Nga bảo lưu quyền đảm bảo an ninh quốc gia bằng tất cả các phương tiện sẵn có trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược hiện hữu tiềm tàng - điều đã được nêu trong Khái niệm Chính sách đối ngoại cập nhật của Nga.
Vụ trưởng Vụ Yermakov cũng cho rằng việc soạn thảo một văn kiện có thể thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) vào thời điểm này là bất khả thi.
Ông nhấn mạnh: “Kiểm soát vũ khí không thể tách rời khỏi tình hình địa chính trị và chiến lược quân sự nói chung. Bất kỳ bước đi nghiêm túc nào trong lĩnh vực này luôn song hành với các quá trình chính trị mang tính xây dựng trong quan hệ của các bên liên quan. Ít nhất, cần có sự hiểu biết lẫn nhau về nhu cầu đối thoại, cũng như ý chí chính trị để thúc đẩy các cuộc đàm phán thực chất dựa trên sự thỏa hiệp"./.
(TTXVN/Vietnam+)