Danh sách bao gồm 31 công ty đến từ Đức, Pháp và các nước châu Âu khác, cũng như từ Mỹ và Singapore. Đặc biệt, danh sách bao gồm các công ty con thuộc sở hữu của Gazprom Germania - chi nhánh của tập đoàn năng lượng Nga Gazprom có trụ sở tại Đức.
Trước đó, ngày 31/3 vừa qua, Gazprom từ bỏ quyền sở hữu Gazprom Germania và tất cả tài sản của công ty này, bao gồm cả Gazprom Marketing & Trading Ltd, khiến nhà chức trách Đức tuyên bố kiểm soát Gazprom Germania vào hồi tháng 4 để đảm bảo nguồn cung khí đốt. Gazprom Germania là nhà điều hành một số cơ sở lưu trữ khí đốt lớn ở Đức và có một số dự án ở Serbia, Áo và Cộng hòa Czech.
Các công ty nằm trong danh sách trừng phạt của Nga cũng bao gồm: Gazprom Germania GmbH, Gazprom Schweiz AG, Gazprom Marketing & Trading USA Inc, Vemex, Wingas, EuRoPol GAZ.
Trong khuôn khổ lệnh trừng phạt các công ty trong danh sách bị cấm giao dịch, các con tàu có liên hệ đến các công ty này cũng bị cấm vào cảng của Nga.
Sau khi Nga ban hành lệnh trừng phạt, Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức hôm 11/5 thông báo, Chính phủ nước này đang có những sắp xếp cần thiết và chuẩn bị cho những kịch bản khác nhau. Bộ này cho hay, đội ngũ phụ trách khủng hoảng khí đốt đang theo dõi sát tình hình. Lúc này, an ninh nguồn cung vẫn được đảm bảo và liên tục được giám sát.
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã liên tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga từ việc đóng băng tài sản cho đến lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm chiến lược.
Để phản ứng lại các biện pháp trừng phạt này, Điện Kremlin cũng có hành động trả đũa bao gồm việc cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria – 2 quốc gia phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Đồng thời, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng yêu cầu đặt ra cơ chế thanh toán mới cho chủ thể mua khí đốt tại châu Âu./.
H.Hà (Theo TASS, Reuters)