Reuters đưa tin theo sắc lệnh được ký bởi Tổng thống Nga Vladimir Putin và công bố trong ngày 21/2, Nga có quyền xây dựng căn cứ quân sự tại hai vùng lãnh thổ ly khai ở Ukraine dựa theo thỏa thuận mới với thủ lĩnh của các nhóm ly khai này.
Ngoài ra, Nga và hai vùng ly khai cũng có kế hoạch ký các thỏa thuận khác về hợp tác quân sự và bảo vệ biên giới. Đây là nội dung trong dự thảo luật sẽ được Hạ viện Nga xem xét trong ngày 22/2.
[Nga công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass]
Trước đó, hãng tin TASS của Nga đưa tin rạng sáng 22/2 theo giờ Hà Nội, Nga đã công nhận nền độc lập, đồng thời ký kết các hiệp ước hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ với hai nước cộng hòa tự xưng Donestk (DPR) và Luhansk (LPR) ở miền Đông Ukraine.
Nhiều nước trên thế giới đã ngay lập tức có phản ứng trước bước đi của Nga.
Phản ứng trước bước đi của Nga, Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt mới về thương mại và tài chính đối với hai vùng lãnh thổ Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định công nhận độc lập.
Tuyên bố của Nhà Trắng nhấn mạnh Tổng thống Biden sẽ ký một sắc lệnh hành pháp “cấm người Mỹ thực hiện các hoạt động đầu tư, thương mại và tài chính mới đến hoặc từ hai vùng lãnh thổ này."
Theo Nhà Trắng, sắc lệnh hành pháp này cũng sẽ cho phép Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ cá nhân nào hoạt động trong các lĩnh vực thương mại và tài chính.
Nhà Trắng cho biết sẽ sớm công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung liên quan đến “sự vi phạm các cam kết quốc tế của Nga hiện nay."
Các nước như Đức, Anh, Gruzia, Romania, Áo, Moldova cũng đã ngay lập tức phản đối quyết định của Nga. Theo Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, bước đi của Nga đã làm suy yếu các nỗ lực ngoại giao và xâm phạm chủ quyền của Ukraine.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đánh giá quyết định của Nga đã “xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cùng ngày bày tỏ quan ngại về quyết định của Nga, đồng thời kêu gọi giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine phù hợp với các thỏa thuận Minsk được Nghị quyết 2202 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ./.
(Vietnam+)