Theo tuyên bố chung vừa đạt được giữa hai nhà lãnh đạo, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí triển khai các lực lượng Nga và Syria tại khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động chiến dịch quân sự “Mùa xuân Hòa bình” tại Syria từ ngày 9/10.

 

Tuyên bố nêu rõ, kể từ 12 giờ trưa (0900 GMT) ngày 23/10/2019, lực lượng quân cảnh Nga và lực lượng bảo vệ biên giới Syria sẽ tiến vào phía lãnh thổ Syria thuộc khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, nằm ngoài phạm vi khu vực diễn ra chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình” để thúc đẩy việc rút các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) cùng vũ khí của họ vào khu vực nằm sâu 30 km từ biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ. Công việc này sẽ được hoàn tất trong vòng 150 giờ đồng hồ.

 

Vào thời điểm trên, các lực lượng tuần tra chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu thực hiện sứ mệnh tại khu vực phía Tây và Đông ở khu vực sâu 10 km từ nơi diễn ra chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình”, trừ thành phố Qamishli thuộc tỉnh Hasakah.

 

Theo tài liệu đã được nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thông qua, các bên sẽ thiết lập một cơ chế giám sát và xác minh chung để đánh giá và phối hợp thực hiện tuyên bố vừa ký kết.

 

Phát biểu trong một cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với ông Erdogan, ngày 22/10, Tổng thống Putin khẳng định, mục tiêu thiết lập ổn định lâu dài tại Syria chỉ có thể được thực hiện nếu gắn liền với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này.

 

“Chúng tôi chia sẻ mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ trước sự gia tăng các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố và mâu thuẫn sắc tộc trong khu vực này. Chúng tôi cho rằng, trong thời gian gần đây, những mâu thuẫn và chủ trương ly khai đã được kích động một cách giả tạo bởi những thế lực bên ngoài… Sự hiện diện một cách bất hợp pháp của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Syria cần được xóa bỏ” – ông Putin nói.

 

Lực lượng quân sự do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tập trung tại một con đường giữa Tell Abyad và Ayn an-Arab của Syria, ngày 22/10/2019. (Ảnh: AFP)


Trong khi đó, Tổng thống Erdogan cũng ca ngợi thỏa thuận vừa đạt được với nhà lãnh đạo Nga đã giúp chấm dứt “sự hình thành nên các tư tưởng ly khai” bên trong phạm vi lãnh thổ Syria.

 

Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, chiến dịch tấn công quân sự “Mùa xuân Hòa bình” của Thổ Nhĩ Kỳ đã được bãi bỏ. Hiện mọi điều chỉ còn phụ thuộc vào cách thức triển khai các thỏa thuận đã đạt được, trong đó gồm cả việc rút vũ khí, lực lượng và phương tiện của các đơn vị người Kurd.

 

Ngày 23/10, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm và thông báo cho người đồng nhiệm Syria Bashar al-Assad về bản Tuyên bố chung vừa ký kết với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong cuộc điện đàm, ông Putin nhấn mạnh tới mục tiêu cốt lõi nhằm khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Syria và tiếp tục các nỗ lực ổn định chính trị, gồm cả các công việc liên quan tới Ủy ban Hiến pháp Syria.

 

Về phía ông al-Assad bày tỏ quan điểm ủng hộ kết quả của vòng đối thoại giữa Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời khẳng định sẵn sàng cử lực lượng bảo vệ biên giới biên giới Syria tới khu vực tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ để phối hợp với lực lượng quân cảnh Nga.

 

Ngày 9/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động chiến dịch tấn công quân sự mang tên “Mùa xuân Hòa bình” vào miền Bắc Syria – khu vực tiếp giáp với biên giới phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ trong một nỗ lực nhằm đẩy lùi các lực lượng người Kurd vốn bị Ankara xem là “khủng bố” và có chủ trương ly khai. Sau đó không lâu, tới ngày 13/10, Chính quyền khu tự trị người Kurd ở Đông Bắc Syria thông báo đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Syria cho phép quân đội Syria tiến vào một số khu vực do người Kurd kiểm soát để đối phó với hành vi quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Chính vì thế, việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận vào đúng thời điểm kết thúc hạn 120 giờ ngừng bắn (đạt được với Mỹ hôm 17/10) để các tay súng người Kurd rút khỏi “vùng an toàn” theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ có thể được xem như “một cú lội ngược dòng vào phút chót” để tránh tái diễn kịch bản đối đầu quân sự khốc liệt. Diễn biến này cũng giúp Thổ Nhĩ Kỳ phần nào “làm dịu” làn sóng phản đối từ cộng đồng quốc tế khi phát động chiến dịch quân sự nhằm vào một quốc gia có chủ quyền là Syria. Ngoài ra, việc đạt được thỏa thuận với Nga cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ có thể “thở phào nhẹ nhõm” khi không đi ngược lại thỏa thuận với Mỹ về việc ngừng bắn và rút lực lượng người Kurd. Thay vào đó, thỏa thuận này còn được đánh giá là “có tính khả thi rất cao” khi vừa đề cập tới việc Thổ Nhĩ Kỳ không nối lại chiến sự, vừa tô đậm vai trò bảo trợ của Nga trong việc rút lực lượng người Kurd.

 

Trong một thông điệp đăng tải trên trang Twitter, ngày 23/10, Tổng thống Mỹ D.Trump đã ca ngợi những diễn biến mới nhất xung quanh tình hình Syria là “một thông tin tốt” và hy vọng sẽ nhận được những báo cáo tiếp theo về vấn đề này./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)