Cũng theo ông Demir, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin đã tập trung thảo luận về khả năng mở rộng hợp tác quân sự giữa hai nước láng giềng trong một cuộc gặp gỡ diễn ra tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 3/4.
Trong cuộc đối thoại với người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Putin đã đề cập tới việc đẩy nhanh thời hạn chuyển giao các hệ thống tên lửa phòng không cho Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng công việc này được thực hiện dựa trên yêu cầu từ “những người bạn và các đối tác” Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, cũng theo lời của ông Putin, thì hai nước sẽ không áp dụng các biện pháp giới hạn về chính trị hay quân sự đối với việc cùng sản xuất các hệ thống tên lửa S-400, cũng như đối với việc Moscow sẽ chuyển giao các công nghệ liên quan cho Ankara bởi đây đơn thuần chỉ là một vấn đề thương mại.
Như vậy, việc Nga chuyển giao các hệ thống tên lửa tối tân S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ đã được đẩy nhanh hơn dự kiến bởi cách đây ít lâu, Cố vấn Tổng thống Nga phụ trách vấn đề hợp tác quân sự - ông Vladimir Kozhin đã tuyên bố rằng Moscow sẽ bắt đầu thực hiện đầy đủ bản thỏa thuận ký kết với Ankara vào đầu năm 2020.
Những thông tin liên quan tới các vòng đối thoại về thỏa thuận mua bán các hệ thống S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 11/2016. Sau đó, việc ký kết bản hợp đồng này với Thổ Nhĩ Kỳ đã được Nga lên tiếng xác nhận. Vào tháng 9/2017, Tổng thống Erdogan tuyên bố Ankara đã ký kết hợp đồng mua các hệ thống S-400 do Nga sản xuất và tiến hành thanh toán trước bản hợp đồng ước tính trị giá khoảng 2 tỷ USD này.
Hiện một số nhà phân tích trong khu vực đang lo ngại về việc Nga cung cấp hệ thống phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến mối quan hệ giữa Mỹ với các nước này trở nên căng thẳng. Cách đây ít lâu, Mỹ đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về hậu quả của việc mua các khẩu đội tên lửa đất đối không S-400 do Nga sản xuất, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng Washington sẽ áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Ankara.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 có tên gọi đầy đủ là Hệ thống tên lửa phòng không di động (AAMS), theo tên gọi của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là SA-21 Growler. Đây là một hệ thống tên lửa tối tân do Nga thiết kế nhằm phát hiện, lần theo dấu vết và tiêu diệt các máy bay, máy bay không người lái hay các tên lửa ở khoảng cách 402 km. Cho tới nay, Nga mới chỉ bán S-400 cho Trung Quốc và Ấn Độ.
Hiện chính quyền Ankara đang theo đuổi chiến lược tăng cường năng lực phòng không, đặc biệt sau khi Washington quyết định rút hệ thống tên lửa đất đối không Patriot khỏi khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria vào năm 2015 - một động thái vốn được Thổ Nhĩ Kỳ nhận định là làm suy yếu năng lực phòng không của nước này./.
Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)