Phóng viên TTXVN tại Moskva đưa tin, tại cuộc họp về phát triển các tiềm năng tài nguyên của các mỏ khí đốt Yamal ngày 27/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho Tập đoàn năng lượng Gazprom, sau khi hoàn thành việc bơm khí vào các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất ở Nga, phải tăng cường bổ sung khí đốt cho các cơ sở lưu trữ của tập đoàn này ở châu Âu.
Tổng thống Putin phát biểu: “Aleksey Borisovich (Aleksey Miller - người đứng đầu Gazprom), tôi yêu cầu ông, sau khi hoàn thành việc bơm khí vào các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất ở Nga, đến khoảng ngày 7 hoặc 8/11 phải bắt đầu tăng khối lượng khí đốt vào các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất ở châu Âu theo như kế hoạch - ở Áo và Đức.”
Tổng thống Nga cho rằng việc làm này sẽ tạo nên sự tin cậy, ổn định và nhịp nhàng trong việc thực hiện các hợp đồng cung cấp khí đốt cho các đối tác châu Âu trong mùa thu đông, đồng thời cũng khiến tình hình thị trường năng lượng châu Âu trở nên thuận lợi hơn.
[Nga chỉ trích sự đổ lỗi của EU về tình trạng khan hiếm khí đốt]
Nga lâu nay vẫn là nước sản xuất và xuất khẩu khí đốt cho châu Âu. Nước này mới đây thông báo cần bổ sung khí đốt cho các kho dự trữ của mình trước khi bổ sung khí đốt cho thị trường châu Âu.
Theo kế hoạch, Nga sẽ hoàn tất việc bổ sung khí đốt cho các kho dự trữ nội địa vào cuối tháng 10 này.
Giá điện tại các nước Liên minh châu Âu đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm nay, trong khi giá khí đốt tự nhiên tăng gần 800%, làm dấy lên lo ngại giá cả leo thang có thể gây bất ổn cho nền kinh tế khu vực.
Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Tám tại các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 3% - mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, kèm theo lạm phát tăng.
Tình trạng thiếu khí đốt đã khiến 10 công ty cung cấp năng lượng ở Anh phá sản kể từ đầu tháng Tám. Cuộc khủng hoảng khí đốt cũng khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng năng lượng lao đao khi phải đóng cửa nhà máy hoặc hạn chế sản lượng.
Điều này có nguy cơ khiến chi phí sản xuất cũng tăng theo, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát toàn cầu./.
Quang Vinh (TTXVN/Vietnam+)