Đây là một thành công đáng kể bởi các vòng thương lượng ba bên kéo dài khoảng 1 năm nay để tìm hướng "viết lại" thỏa thuận này hầu như không đạt đột phá và đã bị đình trệ từ hồi tháng Sáu, thậm chí có những thời điểm NAFTA đứng bên bờ vực "khai tử". Thỏa thuận Mỹ-Mexico ít nhất đã tạo ra "ngã rẽ" cho lộ trình đàm phán bế tắc thời gian qua. Tuy nhiên, thỏa thuận Mỹ-Mexico này vẫn chưa phải là kết quả vẹn toàn khi thiếu Canada, một trong ba thành viên của NAFTA.
Thỏa thuận mới giữa Mỹ và Mexico được cho là đã tháo gỡ những mâu thuẫn cốt lõi vốn đã gây "ách tắc" trong quá trình đàm phán về các vấn đề như nguồn gốc xuất xứ ô tô, giải quyết tranh chấp và nông nghiệp. Theo thỏa thuận này, Mỹ và Mexico nhất trí 75% giá trị của một phương tiện sẽ được sản xuất tại một trong hai quốc gia, cao hơn ngưỡng 62,5% trong NAFTA đời đầu. Ngưỡng mới này đáp ứng được yêu cầu giảm thiểu việc sử dụng những bộ phận có xuất xứ từ châu Á để lắp ráp vào các sản phẩm được sản xuất tại Mỹ hay Mexico, qua đó thúc đẩy ngành sản xuất ô tô trong khu vực Bắc Mỹ cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân.
Song giới chuyên gia cũng nhận định nhiều khả năng điều khoản này có lợi hơn cho Mỹ vì các nghiên cứu đều chỉ ra các bộ phận ô tô do Mỹ sản xuất chiếm tới 40% giá trị của mỗi một chiếc xe do Mexico chế tạo ra và xuất khẩu sang Mỹ. Thỏa thuận mới cũng bao gồm yêu cầu các nhà sản xuất phải sử dụng nhiều hơn các vật liệu thép, nhôm, kính và nhựa được sản xuất tại Mỹ và Mexico. Dù nội dung trên chưa được xây dựng chi tiết, nhưng các quan chức trong ngành chế tạo ô tô đều cho rằng Tổng thống Trump sẽ có thêm khả năng áp mức thuế cao hơn vì lý do an ninh quốc gia đối với những sản phẩm không theo ngưỡng mới này và sẽ là một điểm gây sức ép với Canada trong các cuộc thương lượng sắp tới.
Thỏa thuận sơ bộ cũng cho thấy một sự nhượng bộ từ phía Mỹ khi không nhắc tới điều khoản phải đàm phán điều chỉnh thỏa thuận theo giai đoạn 5 năm/lần, vốn đã vấp phải sự phản đối gay gắt vì cho rằng có thể ảnh hưởng tới tâm lý đầu tư dài hơi vào khu vực. Thay vào đó, Mỹ và Mexico thống nhất chu kỳ 16 năm đàm phán lại một lần trong đó có khoảng đánh giá sau 6 năm để có thể tiếp tục gia hạn thêm 16 năm nếu đánh giá cho kết quả ổn định. Đây được coi là một điểm có thể hấp dẫn Canada tham gia thỏa thuận vì chính quyền Ottawa cũng từng phản đối gay gắt đề xuất đánh giá lại 5 năm/lần của Mỹ. Một nhượng bộ khác của Mỹ, là không đề cập gì tới yêu cầu thiết lập rào cản thương mại nhằm bảo vệ các sản phẩm nông nghiệp theo mùa của nước này trước sự cạnh tranh từ Mexico.
[Canada bị đẩy vào thế cô lập sau bước tiến của Mỹ và Mexico]
Thỏa thuận sơ bộ được Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh là một "thỏa thuận thật sự tốt". Với ông Trump, việc Mỹ và Mexico đạt được thỏa thuận có thể được nhìn nhận như một chiến thắng về mặt quan hệ công chúng sau một tuần sóng gió với các vụ bê bối liên quan tới luật sư riêng và cựu giám đốc chiến dịch tranh cử của ông. Đây cũng là một chiến thắng quan trọng cho Tổng thống Trump trong cuộc chiến tranh thương mại mà ông đã phát động với nhiều đối tác thế giới, gồm cả Mexico, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.
Về phần mình, phía Mexico đón nhận thận trọng hơn. Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ đã bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với Canada trong tiến trình đàm phán NAFTA sửa đổi. Tổng thống đắc cử Andres Lopez Obrador cũng khẳng định mong muốn có Canada cùng tham gia hiệp định ba bên. Luật sư thương mại Daniel Ujczo thuộc Dickinson Wright PLLC cho rằng nếu không có sự tham gia của Canada, sẽ rất khó khăn để Chính phủ Mexico tạo dựng được lòng tin của người dân nước này với thỏa thuận mới.
Trong khi nhiều người hy vọng thỏa thuận đã được Mỹ và Mexico thống nhất có thể tạo ra áp lực với Canada để quốc gia này chấp nhận những điều khoản mới, từ đó mở đường cho một thỏa thuận ba bên, thì cũng không ít ý kiến hoài nghi rằng Ottawa sẽ không chấp thuận một cách dễ dàng, khiến NAFTA sửa đổi ba bên có nguy cơ thành hai thỏa thuận thương mại riêng rẽ. Trong phản ứng của mình, đại diện Bộ Ngoại giao Canada cho biết nước này sẽ chỉ ký một thỏa thuận NAFTA mới nếu có lợi cho quốc gia và cho tầng lớp trung lưu.
Một "điềm xấu" cho thỏa thuận sơ bộ, là dư luận Canada từ nhiều tuần nay đã bắt đầu hoài nghi và lo lắng về khả năng Mỹ và Mexico "gạt" Ottawa ra khỏi quá trình đàm phán, và nguy cơ nước này bị đẩy vào thế cô lập đang lộ rõ. Hội đồng Canada cho rằng đây là dấu hiệu khởi đầu cho việc ra đời một thoả thuận vì "Nước Mỹ trước tiên". Bằng việc đổi tên thoả thuận đã 24 năm tuổi, Tổng thống Mỹ Donald có thể biến phiên bản NAFTA mới theo hướng có lợi hơn cho Mỹ và Mexico. Chủ tịch danh dự của Hội đồng Canada Maude Barlow thì nhận định: “Trong bối cảnh đó, Chính phủ Canada không được mắc bẫy chiến thuật này và phải bảo vệ lợi ích của người dân”. Nhà chiến dịch thương mại của Hội đồng Canada Sujata Dey cho rằng có vẻ Mexico đã có nhiều nhượng bộ trước sức ép của Mỹ, đồng thời cảnh báo Canada cũng sẽ buộc phải có những nhượng bộ tương tự nếu như muốn tiếp tục tồn tại trong NAFTA.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau từng nhiều lần tuyên bố rằng một “NAFTA xấu còn tệ hơn không có NAFTA”, bởi vậy Ottawa sẽ theo đuổi một "NAFTA sửa đổi cùng thắng" cho tất cả các bên. Cho tới nay, ông chủ Nhà Trắng, người khởi xướng quá trình đàm phán sửa đổi NAFTA, vẫn khẳng định ưu tiên trước mắt là để Canada có cơ hội "trở lại". Tổng thống Trump cho biết sẽ sớm bắt đầu các cuộc đàm phán sau khi đánh giá liệu thỏa thuận với Mexico có khả thi không, Mỹ có thể tiến hành một thỏa thuận riêng với Canada hoặc đưa vào cùng thỏa thuận với Mexico. Tổng thống Trump không quên cảnh báo sẽ áp thuế đối với ô tô của Canada nếu không đạt một thỏa thuận với nước này.
Cho tới nay, "ngã rẽ" từ thỏa thuận sơ bộ Mỹ-Mexico tuy chưa được kiểm nghiệm sẽ hướng NAFTA tới tương lai hay vào ngõ cụt, nhưng tác động đầu tiên đã xuất hiện khi Ngoại trưởng Canada lập tức cắt ngắn chương trình làm việc tại châu Âu để trở lại đàm phán NAFTA tại Washington vào ngày 28/8. Như vậy, sau nhiều tuần không tham gia các cuộc đàm phán tại Washington, Canada đã trở lại cuộc chơi và đây hoàn toàn có thể là cú hích tạo ra đột phá trong quá trình đàm phán đã trì trệ bấy lâu./.