Nga quan ngại về khả năng Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở Nhật Bản 

(ĐCSVN) – Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vừa bày tỏ quan ngại trước việc Mỹ có kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung ở Nhật Bản và cho biết ông đã thảo luận về vấn đề này với người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi trong một cuộc gặp gỡ diễn ra vào tuần trước.
Nga quan ngại về khả năng Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở Nhật Bản

Ngay từ đầu năm, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo sẽ bắt đầu phát triển các hệ thống tên lửa tầm trung mới, sau khi Hiệp ước các lực lượng tầm trung (INF) ký kết với Nga năm 1987 hết hiệu lực. Lầu Năm góc còn tiết lộ thêm về khả năng sẽ triển khai tên lửa tầm trung mới này tại các nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á.

Ngoại trưởng Lavrov cho biết, ông đã trình bày với ông Motegi về mối quan ngại của Nga trước khả năng tên lửa tầm trung mới của Mỹ có thể được lắp vào hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore mà Nhật Bản có kế hoạch công bố. Đáp lại, Ngoại trưởng Motegi tin tưởng rằng, Nhật Bản có thể tự kiểm soát được hệ thống phòng thủ tên lửa này, nếu như được triển khai trên lãnh thổ Nhật Bản.

Phát biểu trên một chương trình truyền hình, ông Lavrov cũng tỏ ra lo lắng rằng, hệ thống tên lửa của Mỹ, nếu được triển khai tại Nhật Bản hay các nước châu Á khác, có thể thực hiện các vụ phóng tên lửa và nhắm vào các mục tiêu ở khu vực Ural của Nga, thậm chí là tiến tới một đối tác chiến lược của Nga là Trung Quốc. Đại diện ngoại giao Nga tuyên bố nước này sẵn sàng đưa các hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard và siêu tên lửa Sarmat vào Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới, nếu như nhận được sự đồng thuận. Thậm chí ông Lavrov còn khẳng định Nga sẵn sàng công khai hệ thống Sarmat cho phía Mỹ.

Trong những năm gần đây, Nga và Trung Quốc đã có những động thái tăng cường hợp tác quân sự trong một nỗ lực được cho là nhằm “tạo đối trọng” trước các bước đi của Mỹ.

Trong cuộc họp báo thường niên cuối tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bày tỏ quan điểm cho rằng, mối quan hệ đồng minh an ninh của Nhật Bản với Mỹ sẽ tiếp tục trở thành một “mối đe dọa”, đồng thời ngầm ám chỉ rằng điều này đang cản trở Tokyo và Moscow trước triển vọng ký kết Hiệp ước hòa bình thời hậu chiến./.

 
Thu Lan (Theo teletrader, NHK, japantimes)
314 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 575
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 575
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86333934