Bộ Quốc phòng Armenia ngày 9/12 xác nhận Azerbaijan đã bắt đầu nã pháo dữ dội vào các vị trí quân sự của nước này ở tỉnh Gegharkunik.
Trong khi đó, Azerbaijan trước đó cùng ngày thông báo 1 binh sỹ của nước này đã bị sát hại ở khu vực biên giới với Armenia, đồng thời cáo buộc rằng đây là hành vi khiêu khích của phía Armenia.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã tiến hành những cuộc điện đàm riêng rẽ với hai người đồng cấp của Armenia và Azerbaijan.
Sau những cuộc trao đổi này, Yerevan và Baku đã triển khai các biện pháp để ổn định tình hình biên giới.
Cũng trong ngày 9/12, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra thông báo cho biết Nga sẽ tổ chức Hội nghị hòa bình Nam Caucasus theo thể thức 3+3 đầu tiên vào ngày 10/12, theo sáng kiến của Ankara và Baku.
Các nước tham gia hội nghị gồm Azerbaijan, Armenia, Gruzia, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thông báo nêu rõ “nền tảng hợp tác khu vực theo thể thức 3+3 này nhằm thiết lập hòa bình và ổn định lâu dài tại Nam Caucasus.”
Theo thông báo, Azerbaijan, Armenia, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cử Thứ trưởng Ngoại giao tham dự sự kiện này, song không đề cập đến sự tham gia của Gruzia.
Sáng kiến tổ chức hội nghị trên do Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đưa ra sau cuộc xung đột ở khu vực Nagorny-Karabakh hồi năm ngoái.
[Nga kỳ vọng vào thỏa thuận mới đạt được giữa Azerbaijan và Armenia]
Nagorny-Karabakh là khu vực nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng lãnh thổ này vào Armenia.
Quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan tồn tại căng thẳng liên quan tranh chấp chủ quyền đối với Nagorny-Karabakh.
Cuối tháng 9/2020, xung đột bùng phát tại Nagorny-Karabakh và kéo dài 44 ngày, khiến ít nhất 6.500 người thiệt mạng.
Ngày 9/11/2020, các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan đã ký tuyên bố ngừng bắn do Nga làm trung gian. Tuy nhiên, các vụ đụng độ lẻ tẻ vẫn diễn ra.
Hiện nay, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang cùng vận hành một trung tâm quan sát ở Nagorny-Karabakh để đảm bảo duy trì lệnh ngừng bắn.
Thổ Nhĩ Kỳ không có quan hệ ngoại giao với Armenia và Ankara cho biết hội nghị trên có thể giúp bình thường hóa quan hệ hai nước./.
Thành Trung (TTXVN/Vietnam+)