Phát biểu trước các phóng viên sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ 3 về gia hạn thỏa thuận giải trừ quân bị với Nga, ngày 18/8, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề kiểm soát vũ khí, ông Marshall Billingslea – người dẫn đầu đoàn đàm phán Mỹ cho biết, nhân sự kiện này ông đã đề xuất thiết lập một cơ chế mới, bao quát các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn không phải là đối tượng đề cập tới trong hiệp ước hiện có. Hiện Mỹ quan ngại Nga đang phát triển các loại vũ khí này.
“Có một số điểm chung giữa Nga và Mỹ, song chúng tôi vẫn còn cách xa nhau về một số vấn đề chủ chốt… Chúng tôi sẵn sàng xem xét việc gia hạn START mới, nhưng kịch bản này sẽ chỉ trở thành sự thật nếu như chúng tôi có thể giải tỏa được những mối quan ngại sâu sắc liên quan tới việc Nga xây dựng năng lực không bị hạn chế” – ông Billingslea nói.
Liên quan tới lập trường của Mỹ nhằm kêu gọi Trung Quốc tham gia vào các vòng đàm phán mới về giới hạn vũ khí, ông Billingslea đề xuất xây dựng một cơ chế có thể thực hiện điều này trong một thời gian thích hợp, tỏ ý rằng trước tiên, Washington vẫn muốn theo đuổi đàm phán với Moscow.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov dẫn đầu phái đoàn đàm phán Nga lại đề xuất gia hạn START mới mà không đi kèm theo các điều kiện tiên quyết, đồng thời cũng cảnh báo thêm rằng các bên không còn đủ thời gian để tái đàm phán về một hiệp ước phức tạp mới. Về phía Moscow cũng từng tỏ rõ lập trường rằng, nếu như Trung Quốc tham gia START mới thì Anh và Pháp cũng có thể hành động tương tự, trong phạm vi một tiến trình rộng hơn.
Ông Ryabkov nêu rõ, những ưu tiên của Nga và Mỹ trong giai đoạn hiện nay có những sự khác biệt sâu sắc. “Nga ủng hộ việc gia hạn Hiệp ước START mới, song không sẵn sàng trả bất kỳ cái giá nào cho điều này” – đại diện ngoại giao Nga tuyên bố.
Hiệp ước START mới được ký kết giữa Nga và Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/2/2011. START mới quy định, 7 năm sau khi hiệp ước có hiệu lực, mỗi bên tham gia không được triển khai quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom chiến lược, không quá 1.550 đầu đạn trên các ICBM, SLBM và máy bay ném bom chiến lược đã được triển khai, cùng không quá 800 bệ phóng ICBM, SLBM và các thiết bị máy bay ném bom chiến lược. START mới cũng quy định các bên có nghĩa vụ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và các thiết bị vận chuyển đầu đạn theo định kỳ 2 năm/lần.
START mới sẽ có duy trì hiệu lực trong 10 năm, tới 2021, trừ khi được thay thế bằng một thỏa thuận khác. Nếu được hai bên nhất trí, START mới có thể được gia hạn trong một khoảng thời gian không quá 5 năm - tới năm 2026.
Trước đó, các đại diện Nga và Mỹ đã từng hai lần tiến hành đàm phán trong tháng 6 và 7/2020, song không mang lại kết quả đột phá nào để tiến tới việc gia hạn START mới./.
Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)