Ông Lavrov cho biết: “Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao đến cùng. Chúng tôi đã đề xuất các tài liệu chi tiết về thoả thuận song phương của chúng tôi với Mỹ và dự thảo thoả thuận Nga-NATO về tất cả các vấn đề then chốt của an ninh châu Âu”. Ngoại trưởng Nga tiết lộ thêm dự thảo thoả thuận về đảm bảo an ninh bao gồm tất cả các quốc gia của lục địa này, bao gồm cả Ukraine.
Theo quan điểm của nhà ngoại giao Nga, sau cuộc chính biến ở Ukraine năm 2014, Moscow đã nhiều lần nêu đề xuất trước các nước phương Tây. Tuy nhiên, trong suốt 8 năm qua, tất cả các đề xuất và lời kêu gọi của Nga đối với các đồng nghiệp phương Tây trong vấn đề Ukraine đều “rơi vào im lặng”.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã có cuộc gặp đầu tiên kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Cuộc gặp có sự tham dự của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Trong khuôn khổ cuộc đàm phán, hai bên đã thảo luận các nội dung chính như hành lang nhân đạo, lệnh ngừng bắn, an ninh hạt nhân và lập trường trung lập của Ukraine, song không đạt tiến triển.
Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine theo thỉnh cầu của hai Cộng hòa nhân dân tự xưng ở vùng Donbass. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định Moscow không có ý định chiếm đóng lãnh thổ Ukraine mà chỉ theo đuổi mục tiêu phi quân sự hóa và trung lập hóa nước giềng. Hành động quân sự của Nga ở Ukraine đã thổi bùng những căng thẳng âm ỉ từ lâu trong quan hệ Nga-phương Tây, cùng với nhiều nước gồm: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh… công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào các cá nhân và thực thể Nga.
Trong bối cảnh trên, nhiều nước tiếp tục theo đuổi nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt tình hình chiến sự ở Ukraine. Ngày 10/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm kêu gọi thực hiện lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine, song không đạt kết quả.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc điện đàm, ông Macron cho rằng, giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ không sớm hé lộ. Tuy nhiên, ông sẽ không lãng phí bất cứ nỗ lực nào để có thể đạt được lệnh ngừng bắn. Nhà lãnh đạo Pháp có kế hoạch sẽ nối thoại với Tổng thống Putin trong vòng 48 giờ tới.
Cùng ngày, một phát ngôn viên chính phủ Đức đã xác nhận thông tin về cuộc điện đàm giữa ba nhà lãnh đạo. Nguồn tin trên cho biết thêm, nhân dịp này, ông Macron và ông Scholz đã khẳng định lập trường giải quyết cuộc xung đột Ukraine thông qua các cơ chế đàm phán giữa Nga và Ukraine. Ba nhà lãnh đạo đã nhất trí sẽ duy trì liên hệ chặt chẽ trong những ngày tới./.
T.Lan (Theo TASS, Reuters, NHK)