Trong tuyên bố đưa ra ngày 24/2, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga khẳng định, nước này đã tiến hành các vòng đối thoại chi tiết và căng thẳng với các đồng nghiệp Mỹ và các thành viên khác của NATO. Nga hy vọng vẫn còn cơ hội để đưa vấn đề quay trở lại quỹ đạo của luật pháp và các cam kết quốc tế
“Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp do Tổng thống công bố nhằm bảo đảm an ninh đất nước và người dân Nga… Chắc chắn rằng chúng tôi luôn sẵn sàng cho một cuộc đối thoại nhằm trả lại công lý và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc” – ông Lavrov nói.
Trong một phát biểu ngày 24/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga không loại trừ khả năng đối thoại Ukraine nếu như Kiev sẵn sàng.
Hãng tin Sputnik dẫn trả lời của ông Peskov trước báo giới về khả năng diễn ra các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước, trong đó nêu rõ Moscow "không thấy có cản trở nào" đối với các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Putin với người đồng cấp Ukraine "khi lãnh đạo Ukraine" sẵn sàng thương lượng về những lo ngại an ninh của Moscow.
Trong một tuyên bố cùng ngày liên quan đến tình hình Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng bày tỏ, lẽ ra đã có các cuộc tiếp xúc cấp ngoại trưởng giữa Nga và Mỹ để giải quyết tình hình Ukraine và an ninh toàn cầu, tuy nhiên “chính Mỹ là bên đã từ chối tiến hành các cuộc thương lượng này".
Trước đó, ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm đáp lời kêu gọi của những lãnh đạo 2 vùng ly khai ở đông Ukraine mà Nga đã công nhận độc lập. Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định Nga không có kế hoạch chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Ukraine.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cũng ra thông báo giải thích rõ, quân đội nước này không nhằm mục tiêu vào các thành phố của Ukriane mà chỉ giới hạn trong các cuộc tấn công và làm mất khả năng hoạt động của cơ sở hạ tầng quân sự Ukraine. Việc tấn công không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với dân thường.
Trong khi đó, Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục phản ứng mạnh và có những động thái siết chặt trừng phạt Nga liên quan tới tình hình Ukraine.
Đêm 24/2 theo giờ Brussels, tại Hội nghị Thượng đỉnh bất thường Liên minh châu Âu (EU) về khủng hoảng Nga-Ukraine, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua một gói trừng phạt đối với Nga do Ủy ban châu Âu đề xuất. Các biện pháp trừng phạt này liên quan tới lĩnh vực tài chính, năng lượng, vận tải và thương mại, cũng như việc đình chỉ du lịch miễn thị thực tới châu Âu đối với các nhà ngoại giao Nga. Lệnh trừng phạt cũng đề xuất việc đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với các cá nhân Nga và Belarus có liên quan đến việc chuẩn bị chiến dịch quân sự hiện nay của Nga tại Ukraine, chẳng hạn như các thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nga. Sau khi được lãnh đạo các nước thành viên EU thông qua, gói trừng phạt này sẽ được chuyển thành các văn bản pháp lý, dự kiến sẽ được các ngoại trưởng EU chính thức thông qua vào ngày 25/2.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/2 thông báo các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới đối với Nga nhằm phản ứng chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine. Các lệnh trừng phạt này sẽ bao gồm phong tỏa tài sản các ngân hàng lớn của Nga và cắt giảm xuất khẩu công nghệ cao tới nước này. Người đứng đầu Nhà Trắng dự báo các lệnh trừng phạt này sẽ gây ra những tổn thất trầm trọng đối với kinh tế Nga ngay tức thì và trong dài hạn. Ông cũng cho biết, các nhà lãnh đạo Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí xúc tiến "các gói trừng phạt cứng rắn" và các biện pháp kinh tế khác nhằm buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho hành động quân sự ở Ukraine.
Trước bối cảnh trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 24/2 cũng đã tuyên bố Nga sẽ đáp lại châu Âu và Mỹ bằng các biện pháp trả đũa sau khi các nước phương Tây tìm cách trừng phạt Moscow vì căng thẳng tại Ukraine./.
TL (tổng hợp)