Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vốn có hiệu lực từ năm 2014, cho phép các chuyến hàng cứu trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan tới Syria mà không cần sự đồng ý của chính quyền Damacus.
Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh tháng 12 tới, Hội đồng Bảo an sẽ bỏ phiếu về việc có tiếp tục gia hạn nghị quyết sau khi hết hiệu lực vào ngày 10/1/2019 hay không.
Phó Đại diện thường trực phái đoàn Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyanskiy cho biết hàng cứu trợ gửi đến Syria thường bị các nhóm vũ trang chiếm giữ, sử dụng để tống tiền và tạo doanh thu hàng tháng khoảng 2 triệu USD cho phe nổi dậy.
Ông Polyanskiy cho rằng tình hình ở Syria giờ đã khác nhiều và cần phải điều chỉnh cơ chế viện trợ qua biên giới cho phù hợp. Tuy nhiên, quan chức này không nêu cụ thể những điều chỉnh mà phía Nga đề xuất.
[Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc kêu gọi viện trợ cho Syria]
Năm ngoái, Nga bỏ phiếu trắng khi Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết này nhưng cũng không dùng quyền phủ quyết để ngăn cản công tác viện trợ. Liên hợp quốc cho rằng các chuyến hàng cứu trợ này là rất cần thiết cho những người dân tại khu vực bị phiến quân chiếm đóng đặc biệt sau khi chính quyền Damacus hạn chế nghiêm ngặt việc vận chuyển tới những khu vực trên.
Theo các quan chức Liên hợp quốc, kể từ khi chiến tranh nổ ra cách đây tám năm, hơn 13 triệu người Syria chủ yếu sống dựa vào hàng cứu trợ quốc tế trong đó khoảng 3 triệu người dựa vào những chuyến hàng cứu trợ xuyên biên giới.
Kể từ năm 2014, Chính phủ Syria đã giành lại quyền kiểm soát hầu hết các vùng lãnh thổ bị quân nổi dậy chiếm đóng, dồn các lực lượng đối lập về tỉnh Idlib ở miền Bắc quốc gia này.
Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Âu cho rằng các chiến dịch xuyên biên giới cần được duy trì để tiếp tục cung cấp hàng cứu trợ thiết yếu cho người dân tại khu vực trên.
Liên hợp quốc hiện vẫn duy trì các chiến dịch cứu trợ người dân tại Syria và đây là nỗ lực cứu trợ quy mô nhất mà Liên hợp quốc đang triển khai./.