Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ngày 27/5 cho biết thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt của nước này dự tính tăng thêm 1.000 tỷ ruble (khoảng 14,4 tỷ USD) trong năm nay.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Siluanov nêu rõ theo dự báo được Bộ Tài chính và Bộ Phát triển kinh tế Nga phối hợp thực hiện, nước này sẽ có thêm 1.000 tỷ ruble doanh thu từ dầu khí.
Theo Bộ trưởng Siluanov, Chính phủ Nga đã lên kế hoạch chi tiêu khoản thu này ngay trong năm nay. Cụ thể, Nga sẽ chi vào "các khoản thanh toán bổ sung" dành cho người nghỉ hưu và các gia đình có trẻ em và để tiến hành một "chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine.
Các nước phương Tây đã đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ đối với Nga sau khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2. Tuy nhiên, đến nay, các biện pháp chưa ảnh hưởng đến các nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt của Nga.
[Trung Quốc đàm phán mua dầu mỏ của Nga để tăng dự trữ chiến lược]
Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây cho rằng những hành động không nhất quán của châu Âu dẫn tới tăng thu nhập của Nga từ dầu mỏ và khí đốt.
Nhiều nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc vào năng lượng Nga. Tuy nhiên, hiện khối này đang thảo luận các biện pháp nhằm cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga.
Mỹ đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu năng lượng Nga, dẫn tới giá các mặt hàng nhiên liệu tăng cao.
Liên quan vấn đề trên, công ty khí đốt nhà nước Ukraine đã chính thức yêu cầu Chính phủ Đức ngừng hoặc cắt giảm đáng kể dòng khí đốt vận chuyển qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1.
Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, Giám đốc công ty vận hành hệ thống khí đốt của Ukraine, ông Serhiy Makogon, xác nhận đã gửi đề nghị trên tới Bộ Kinh tế Đức và cơ quan quản lý của Đức.
Theo ông Makogon, Ukraine sẵn sàng và có thể cung cấp một tuyến đường vận chuyển thay thế tuyến đường ống ngầm dưới biển Baltic này.
Trước đó, Đức đã dừng dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga - dự án nhằm tăng gấp đôi lượng khí đốt cung cấp cho Đức - liên quan xung đột ở Ukraine.
Dự án trị giá 11 tỷ USD này đã hoàn tất xây dựng vào cuối năm 2021, song chưa được đưa vào vận hành. Giới phân tích cho rằng ngừng hoạt động Dòng chảy phương Bắc 1 có thể là một quyết định khó khăn đối với Đức cũng như các nước khác ở châu Âu./.
Duy Trinh- Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)