Phát biểu trước báo giới, ngày 5/9, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya nêu rõ: “Ngày hôm nay, chúng tôi đã đệ trình một bản dự thảo nghị quyết lên Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Tổng thư ký Liên hợp quốc. Chúng tôi hy vọng rằng các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ sớm xem xét bản dự thảo nghị quyết này”. Ngoài ra, ông Nebenzya cũng cho biết, Nga sẽ sớm kêu gọi triệu tập một vòng tham vấn giữa các chuyên gia từ các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để thẩm định về bản dự thảo nghị quyết. Vòng đàm phán cấp Đại sứ (về bản dự thảo nghị quyết) sẽ được khởi động vào tuần tới, sau khi các đại diện thường trực trở về từ chuyến công du Ethiopia.
Ông Nebenzya không tiết lộ bản dự thảo nghị quyết về triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình dọc đường giới tuyến tại vùng Donbass, miền Đông Ukraine đã được Nga đệ trình lên Hội đồng Bảo an vào thời điểm nào. Tuy nhiên, quan chức ngoại giao này cho biết, hiện công đoạn bỏ phiếu trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về bản dự thảo nghị quyết chưa được tính đến và phía Nga mới chỉ tính đến các mục tiêu thăm dò ý kiến.
Trước đó, ngày 5/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẽ đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc dọc đường giới tuyến tại vùng Donbass để bảo đảm an toàn cho các nhân viên thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) thực thi nhiệm vụ tại khu vực này. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Nga cũng chỉ ra rằng, việc triển khai các lực lượng của Liên hợp quốc chỉ có thể được thực hiện sau khi vũ khí được rút khỏi vùng Donbass và có được sự phối hợp từ hai Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk. Ông Putin tin tưởng rằng, sự hiện diện của các lực lượng Liên hợp quốc nhằm bảo đảm an toàn cho phái đoàn OSCE tại vùng Donbass sẽ góp phần làm hé lộ một giải pháp tháo gỡ các vấn đề tại miền Đông Ukraine.
Cùng ngày, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ, cho tới nay, các bên liên quan vẫn chưa thể đưa ra các bước đi cụ thể để triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại miền Đông Ukraine và vấn đề này trước tiên, cần được thảo luận trong khuôn khổ nhóm Bộ tứ Normandy (gồm sự tham gia của Nga, Đức, Pháp và Ukraine). Phát ngôn viên trên khẳng định, Tổng thống Putin chưa từng phản đối việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại dọc đường giới tuyến vùng Donbass, nếu như điều này nhận được sự ủng hộ của các phe phái đối lập tại miền Đông Ukraine.
Về phía đại diện Nga trong nhóm Bộ tứ Normandy – ông Boris Gryzlov lưu ý thêm rằng, ý tưởng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại miền Đông Ukraine chỉ có thể được thực hiện nếu như có được sự ủng hộ từ phía chính quyền Kiev./.
Thu Lan (Theo TASS, Sputnik)