Trạng mạng thông tin-phân tích Haqqin của Azerbaijan ngày 9/1 cho biết trong năm 2023, Chính phủ Nga sẽ bắt đầu xây dựng hành lang vận tải Bắc-Nam quốc tế, thay thế hệ thống hậu cần châu Âu.
Ước tính, khoảng 200 tỷ ruble (2,8 tỷ USD) sẽ được đầu tư để phát triển hành lang này.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, bài viết trên trang mạng Haqqin nêu rõ ba tuyến đường vận chuyển chính sẽ là: Biển Đen với sức hấp dẫn kinh tế về cơ sở hạ tầng vận chuyển của Thổ Nhĩ Kỳ, biển Caspi với điểm tựa là các nút giao thông ở Azerbaijan và Iran, cũng như Viễn Đông, nơi các cảng của Nga giáp Thái Bình Dương sẽ được kết hợp với các nhà ga đường sắt ở biên giới với Trung Quốc.
[COP26: Các nước nhất trí thiết lập các tuyến vận tải biển 'xanh']
Ước tính, khi thay thế các tuyến đường châu Âu, công suất hành làng vận tải Bắc-Nam này sẽ tăng 135% vào năm 2030.
Bài báo cũng lưu ý rằng dự án này phù hợp với sáng kiến của chính quyền Nga để tăng thương mại với các quốc gia châu Á.
Hành lang vận tải Bắc-Nam quốc tế là hệ thống giao thông dài 7.200km gồm đường biển, đường sắt và đường bộ giữa Ấn Độ, Iran, Azerbaijan, Nga, Trung Á và châu Âu.
Các chuyên gia cho rằng tuyến đường này có thể giảm 50% chi phí và tiết kiệm 20 ngày di chuyển.
Trong nỗ lực nhằm xây dựng các chuỗi cung ứng hậu cần mới và giúp cho tuyến Hành lang vận tải Bắc-Nam quốc tế có thể hoạt động, Nga đã đề xuất thiết lập một đơn vị vận hành quốc tế với Iran và Azerbaijan./.
Duy Trinh (TTXVN/Vietnam+)