Trước đó, ngày 19/5, Duma quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua và sau đó, ngày 2/6, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã phê chuẩn dự luật này.
Tháng 5/2020, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khởi động tiến trình rút khỏi Hiệp ước và đã hoàn tất ngày 22/11/2020. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã xem xét lại các quyết sách của chính quyền tiền nhiệm, bao gồm cả việc rút khỏi OST. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng vẫn không thay đổi.
Ngày 27/5, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã thông báo với người đồng cấp Nga Sergey Ryabkov về quyết định của Washington sẽ không tái gia nhập Hiệp ước. Về phía đại diện ngoại giao Nga cũng khẳng định Moscow sẽ không thay đổi lập trường liên quan tới OST theo hướng có lợi cho Washington.
Phản ứng trước diễn biến mới nhất, điện Kremlin cảnh báo: “Quyết định của Mỹ đã phá hỏng cân bằng lợi ích giữa các thành viên trong hiệp ước và buộc Nga rút khỏi thỏa thuận. Điều này sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng với quá trình xây dựng lòng tin và minh bạch, đồng thời đe dọa an ninh quốc gia Nga".
Hiệp ước Bầu trời mở được ký năm 1992 sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và bắt đầu có hiệu lực vào năm 2002. Thỏa thuận cho phép các quốc gia tham gia thực hiện các chuyến bay trinh sát không vũ trang trên toàn bộ lãnh thổ các nước thành viên khác để thu thập dữ liệu về các hoạt động và lực lượng quân sự, theo các hạn ngạch bay đã được thống nhất từ trước. Hiện đang có 35 quốc gia đã ký kết vào Hiệp ước Bầu trời mở, gồm: Nga, Mỹ và một số nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Kyrgyzstan là nước đã ký vào văn kiện này, song việc phê chuẩn vẫn chưa được thực hiện.
Việc Nga và Mỹ cùng rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở đã đánh dấu một “vết rạn nứt” mới trong mối quan hệ giữa hai cường quốc cùng với việc hai bên đã nhiều lần hướng lời lẽ chỉ trích về phía bên còn lại vì không tuân thủ hiệp ước.
Sau khi cùng đặt dấu chấm hết cho OST, Mỹ và Nga chỉ còn một thỏa thuận kiểm soát vũ khí duy nhất là Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START). /.
T.Lan (Theo báo chí nước ngoài)