Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã cập nhật khái niệm chính sách nhà nước trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển quốc tế, liên quan đến hỗ trợ cho các nước đang phát triển. Sắc lệnh sửa đổi này đã được công bố trên cổng công báo chính thức ngày 13/3.
Trong phiên bản cập nhật, một trong những nguyên tắc của chính sách nhà nước Liên bang Nga là “không áp đặt các điều kiện chính trị để cung cấp hỗ trợ, tôn trọng quyền của các nước nhận viện trợ được độc lập chọn mô hình phát triển kinh tế xã hội, có tính đến đặc điểm của từng nước.”
Trước đây, trong văn bản không có nội dung này mà đề cập việc cung cấp hỗ trợ có mục tiêu và mong muốn đối thoại.
Phiên bản cập nhật bỏ nội dung đề cập hướng hỗ trợ nhằm tăng cường bình đẳng và dân chủ hóa hệ thống quan hệ quốc tế, thay vào đó đề cập việc tăng cường tiềm năng của các quốc gia nhận viện trợ - điều cần thiết cho "sự chuyển đổi sang phát triển tự túc và tự cung tự cấp" của các quốc gia này.
[Đa số người dân Nga tin tưởng tuyệt đối Tổng thống Vladimir Putin]
Văn kiện mới nêu rõ Nga "đặt mục tiêu cho những nỗ lực trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển quốc tế nhằm củng cố hòa bình quốc tế, an ninh và ổn định toàn cầu, ủng hộ mong muốn của cộng đồng quốc tế về sự phát triển bền vững của tất cả các nước vì lợi ích của việc thiết lập một trật tự thế giới dân chủ và công bằng.”
Văn kiện cũng lưu ý rằng Nga dự định chia sẻ với các nước đang phát triển kinh nghiệm phát triển kinh tế xã hội và hỗ trợ phát triển quốc tế là một trong những cơ chế hiệu quả để giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực, đối phó với những thách thức và mối đe dọa mới cũng như đảm bảo lợi ích quốc gia của Liên bang Nga.
Văn kiện cập nhật loại bỏ Khái niệm điều khoản về sự tham gia của Nga "trong các sáng kiến được thực hiện theo các thỏa thuận đạt được trong Nhóm 8 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (bao gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ, Canada và Nga).
Ngoài ra, danh sách các nhiệm vụ chính sách nhà nước được thay đổi. Trong số các điều khoản mới có việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực (chủ yếu trong khuôn khổ Liên minh Kinh tế Á-Âu và Cộng đồng Các quốc gia độc lập) và phát triển hợp tác kinh tế và thương mại với các quốc gia nhận hỗ trợ, cũng như hình thành quan hệ láng giềng tốt đẹp với các quốc gia láng giềng và hỗ trợ "loại bỏ các điểm nóng căng thẳng và xung đột tồn tại trên lãnh thổ các nước này và ngăn chặn sự xuất hiện của các điểm nóng như vậy”./.
Duy Trinh (TTXVN/Vietnam+)