Bộ Ngoại giao Nga ngày 1/3 cảnh báo những nước cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ phải chịu trách nhiệm nếu những vũ khí này được sử dụng trong quá trình Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại đây.
Bên cạnh đó, Bộ ngoại giao Nga khẳng định Moskva sẽ đáp trả các biện pháp mà Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện đối với Nga.
Cùng ngày, người phát ngôn chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết người dân ở thủ đô Kiev của Ukraine có thể rời thành phố.
Ông Konashenkov nêu rõ tất cả dân thường ở Kiev có thể tự do rời thành phố theo đường cao tốc Kiev-Vasilkov thông thoáng và an toàn.
Ông Konashenkov cũng khẳng định lại rằng các lực lượng vũ trang Nga chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự, không đe dọa dân thường.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới sau cuộc họp trực tuyến không chính thức với những người đứng đầu các bộ quốc phòng của các quốc gia thành viên EU, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell thông báo khối này dự định tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Theo ông, tất cả các quốc gia thành viên đều nhất trí tăng cường hỗ trợ quân sự trên cơ sở song phương cho Ukraine và thúc đẩy nỗ lực này với sự tài trợ của EU.
Bên cạnh đó, ông Borrell cũng cho biết Ukraine đã đề nghị cung cấp dữ liệu tình báo không gian và EU đang huy động trung tâm vệ tinh ở Madrid (Tây Ban Nha) đáp ứng đề nghị trên.
[Tổng thống Nga điện đàm với người đồng cấp Pháp về vấn đề Ukraine]
Cũng trong ngày 28/2, Đức thông báo đang triển khai máy bay chiến đấu Tornado và máy bay tuần tra trên biển tới khu vực Biển Baltic.
Trước đó cùng ngày, Hải quân Đức cũng triển khai thêm 6 tàu chiến, trong đó 4 tàu tới Biển Baltic.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Chính phủ các nước Na Uy và Phần Lan cũng thông báo sẽ đưa thêm vũ khí tới Ukraine.
Quyết định trên đã đảo ngược chính sách của Na Uy từ những năm 1950 không cung cấp vũ khí cho các nước không thuộc thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang có chiến tranh hoặc có nguy cơ xung đột vũ trang.
Trong khi đó, Phần Lan dự định cung cấp 1.500 bệ phóng tên lửa, 2.500 súng trường, 150.000 băng đạn và 70.000 khẩu phần ăn tới Ukraine. Phần Lan là quốc gia thành viên EU nhưng không thuộc NATO, mặc dù có quy chế đối tác với liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu này.
Theo phóng viên Ottawa, Chính phủ Canada chuẩn bị gửi lô vũ khí sát thương thứ 3 tới Ukraine. Dự kiến, ngày 1/3, Ngoại trưởng Canada, bà Mélanie Joly sẽ đến Ba Lan để giám sát hoạt động này.
Ngày 27/2, Chính phủ Canada cam kết cung cấp thêm ít nhất 25 triệu CAD (19,59 triệu USD) viện trợ quân sự phi sát thương (gồm mũ bảo hiểm, áo giáp, mặt nạ phòng độc và thiết bị nhìn đêm) cho Ukraine. Hai tuần trước đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã đồng ý cung cấp cho Ukraine thiết bị sát thương trị giá 7,8 triệu CAD.
Trong khi đó, Hungary tuyên bố sẽ không cho phép việc vận chuyển vũ khí qua lãnh thổ nước này. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nêu rõ Budapest sẽ không cho phép việc vận chuyển vũ khí gây chết người qua lãnh thổ nước này. Quyết định trên nhằm đảm bảo an toàn của người dân Hungary./.
Hương Giang-Ngọc Hà-Duy Trinh (TTXVN/Vietnam+)