Nga không chấp nhận việc tịch thu bất hợp pháp tài sản của Nga và điều đó vô cùng nguy hiểm cho hệ thống tài chính thế giới. Đây là tuyên bố của Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov ngày 22/12.
Ông Peskov cho biết các cuộc thảo luận về chủ đề tịch thu bất hợp pháp tài sản của Nga thường xuyên được đề cập cả ở châu Âu và Mỹ.
Theo ông, chủ đề này không thể chấp nhận được, và nếu được thực hiện sẽ là "cú đòn" rất nghiêm trọng cho hệ thống tài chính quốc tế.
Theo ông Peskov, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đều hiểu rằng tịch thu bất hợp pháp tài sản của Nga sẽ có hậu quả pháp lý đối với những ai khởi xướng và thực hiện. Nga cũng sẽ có biện pháp đáp trả tương tự.
Hiện Pháp, Đức và Italy vẫn “cực kỳ thận trọng” về ý tưởng tịch thu tài sản của Nga để sử dụng cho tái thiết Ukraine và một số quan chức EU “lo ngại có thể bị trả đũa” từ Moskva nếu tài sản của Nga bị tịch thu.
Theo Ủy ban châu Âu, khoảng 260 tỷ euro (285 tỷ USD) tài sản của ngân hàng trung ương Nga đã bị phong tỏa ở các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), EU và Australia vào năm ngoái.
Theo sắc lệnh của Tổng thống Putin, cổ phần của công ty OMV (Áo) và Wintershall Dea ( Đức) tại mỏ Yuzhno-Ruskoye và các dự án Achimov sẽ được chuyển giao cho các công ty mới thành lập của Nga.
Khoảng 210 tỷ euro (230 tỷ USD) dự trữ của Nga được giữ ở EU, bao gồm 191 tỷ euro ở Bỉ và 19 tỷ euro ở Pháp. Thụy Sĩ nắm giữ khoảng 7,8 tỷ euro, tiếp theo là Mỹ với 5 tỷ USD.
Tuần trước, giới chức Mỹ trao đổi với các thành viên Nhóm G7 rằng có "một lộ trình" để việc tịch thu tài sản của Nga "phù hợp với luật pháp quốc tế" nhằm tài trợ cho Ukraine./.