Người Hàn Quốc làm việc nhiều giờ hơn hầu hết các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhưng lại kiếm được ít tiền hơn. Sự chênh lệch này làm trầm trọng thêm tình trạng tăng trưởng kinh tế tụt hậu của quốc gia.
Trước tình hình đó, Chính phủ Hàn Quốc đã kêu gọi thực hiện các hành động quyết đoán để giải quyết tình trạng năng suất lao động đang suy giảm.
Theo một báo cáo gần đây của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hàn Quốc, năng suất lao động mỗi giờ của Hàn Quốc vào năm 2022 ở mức 49,4 USD, xếp thứ 33 trong số 37 quốc gia thành viên OECD.
Ireland là nước đứng đầu với năng suất ở mức 155,5 USD. Đức và Mỹ theo sau với con số lần lượt 88 USD và 87,6 USD, trong khi Nhật Bản ghi nhận mức năng suất 53,2 USD. Các quốc gia xếp hạng thấp hơn Hàn Quốc là Hy Lạp, Chile, Mexico và Colombia.
Năng suất lao động của Hàn Quốc đã có một bước chuyển đáng lo ngại. Trong quý đầu tiên của năm 2023, năng suất của tất cả các ngành giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước.
[ADB dự báo lạm phát ở các nền kinh tế châu Á sẽ 'hạ nhiệt']
Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) cảnh báo nếu quỹ đạo năng suất hiện tại vẫn tiếp tục, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc có thể giảm mạnh xuống khoảng 0% vào năm 2050. Mối lo ngại ngày càng tăng với tỷ lệ sinh thấp và dân số giá ở Hàn Quốc.
Ông Choo Kwang-ho, Giám đốc Bộ phận Chính sách Kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc (KERI), cho biết: “Các quốc gia nơi người lao động làm việc ít giờ hơn nhưng có thu nhập cao hơn thường ưu tiên thúc đẩy việc làm bán thời gian, nới lỏng các quy định lao động và đạt được tỷ lệ việc làm cao. Mức lương cao của họ về cơ bản là nhờ năng suất tăng cao.”
Trong một cuộc hội thảo gần đây, bà Suh Young-kyung, một thành viên của Ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết nếu tiếp tục chứng kiến sự suy giảm năng suất, chắc chắn Hàn Quốc sẽ quay trở lại tình trạng tăng trưởng thấp và lạm phát thấp, gây thêm căng thẳng cho các chính sách tiền tệ quốc gia.
Bà Suh Young-kyung nói: “Những nỗ lực nhất quán, chẳng hạn như chào đón những người nhập cư có kỹ năng trong các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, là rất quan trọng để tái cơ cấu thị trường lao động thực sự.”
Theo bà Kim Ji-yeon, nhà nghiên cứu cấp cao tại KDI, phụ nữ và người cao tuổi cũng cần được tính toán phù hợp. Điều kiện việc làm cần được cải thiện để khuyến khích sự tham gia tích cực của phụ nữ. Mặc dù có năng suất cao, nhiều phụ nữ thường không tham gia lực lượng lao động do sinh con và nuôi con.
Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của người cao tuổi, một nhóm nhân khẩu học đang ngày càng tăng nhanh trong xã hội Hàn Quốc./.
Trần Quang (TTXVN/Vietnam+)