Đây là nhận định do phát ngôn viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Oana Lungescu đưa ra ngày 18/2.
Trong tuyên bố cùng ngày, bà Lungescu cũng tỏ rõ lập trường của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh nhằm ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền Ukraine trong phạm vi các khu vực biên giới đã được cộng đồng quốc tế công nhận.
“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Nga rút lực lượng, chấm dứt hậu thuẫn cho các phần tử ly khai và tham gia vào nỗ lực triển khai các thỏa thuận Minsk” – bà Lungescu nói.
|
Bất ổn đã diễn ra trong nhiều năm qua tại miền Đông Ukraine. (Ảnh: TASS) |
Thông điệp trên được phát ngôn viên NATO đưa ra ngay sau khi các phe phái trong cuộc xung đột ở Donbass, ngày 18/2 đã báo cáo về tình trạng leo thang căng thẳng ở khu vực đường tiếp xúc. Trong khi đó, mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây liên quan tới cuộc xung đột bước sang năm thứ 6 liên tiếp tại miền Đông Ukraine vẫn chưa được hóa giải, ngay cả khi cái giá phải trả đã quá đắt là sinh mạng của hàng chục nghìn người dân vô tội.
Phát biểu trong phiên họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Ukraine diễn ra cùng ngày, Đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya đã cáo buộc và tỏ rõ quan điểm lên án việc một số nhà chính trị gia Ukraine có hành vi “phá hoại” các thỏa thuận Minsk.
Theo quan điểm của ông Nebenzya thì lý do Nga triệu tập phiên họp này của cơ quan quyền lực Liên hợp quốc là bởi hàng triệu người dân ở miền Đông Ukraine – những người mà nhiều giới chức ở Kiev và thậm chí là nhiều người đang tham dự phiên họp này đang muốn lãng quên. Các thỏa thuận Minsk không phải là một trò lừa gạt hay một thực tế song song, mà đây chính là một hy vọng thực sự vì hòa bình. Chỉ thông qua việc thực thi đầy đủ các thỏa thuận Minsk, Ukraine mới có cơ hội trả lại niềm tin đã mất của các cư dân vùng Donbass, những người đã bị các nhà chức trách Ukraine biến thành “công dân hạng hai”, hay thậm chí coi là “những phần tử ly khai” , “những kẻ ngoại bang” trên chính đất nước mình.
Nhân cuộc họp, ông Nebenzya đã chỉ ra rằng, gói các biện pháp nhằm triển khai Thỏa thuận Minsk đã đưa ra 13 điều nhằm hướng tới mục tiêu tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột tại Ukraine song mới chỉ có 2 trong số này được thực hiện. Cụ thể, gói các biện pháp này đề cập tới một trình tự rõ ràng của việc thực hiện các điều khoản, từ việc ngừng bắn, thực hiện lệnh ân xá, cải cách hiến pháp... tiếp theo sau bởi việc tổ chức các cuộc bầu cử và thiết lập quyền kiểm soát chính phủ đối với toàn bộ khu vực xảy ra xung đột. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 2 điều liên quan tới công tác của Nhóm tiếp xúc Minsk cùng Phái đoàn giám sát đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu đang được triển khai đầy đủ.
Tháng 2/2015, các thành viên trong Nhóm Liên lạc về việc giải quyết tình hình ở đông Ukraine đã ký kết Gói các biện pháp nhằm triển khai Thỏa thuận Minsk và đã được nhóm Bộ tứ Normandy (bao gồm Nga, Đức, Pháp và Ukraine) phê chuẩn. Văn bản này bao gồm nội dung về một lệnh ngừng bắn toàn diện, rút các vũ khí hạng nặng khỏi đường tiếp xúc và sửa đổi Hiến pháp Ukraine, cũng như việc bảo đảm "quy chế đặc biệt của một số khu vực ở hai Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk". Gói các biện pháp này cũng đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bảo trợ trong Nghị quyết số 2202./.
Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)