Ngày 16/7, một phát ngôn viên của Tổng thư ký NATO cho biết, ông Stoltenberg đã liên hệ với Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu để yêu cầu chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài nhiều ngày qua giữa hai nước đồng minh của NATO.

Hiện mối quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức đang gặp phải trở lực liên quan tới một số tranh cãi, trong đó có cách thức trấn áp của chính quyền Ankara sau vụ đảo chính quân sự bất thành hồi tháng 7 năm ngoái. Quan hệ giữa Berlin và Ankara tiếp tục trở nên căng thẳng hơn sau khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho phép các nghị sỹ Đức tới thăm binh sỹ tại căn cứ Icirlik và một căn cứ khác của NATO tại Konya, cách thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 50 km về phía Nam. Đây được xem là một phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ trước việc chính quyền Berlin đã có động thái nhằm cản trở một nhóm các quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ tới thăm và có bài phát biểu trước cộng đồng người Do Thái Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức trước thềm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 4/2017.

 

 

Trước những động thái trên của chính quyền Ankara, ngày càng có nhiều lời kêu gọi Đức rút quân khỏi các căn cứ quân sự đóng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Được biết, Đức đã bắt đầu khởi động việc rút quân khỏi căn cứ quân sự tại Icirlik và hiện đang cân nhắc tới việc thực hiện các biện pháp tương tự tại căn cứ không quân Konya. 
 

Hiện Quốc hội Đức đang nắm quyền kiểm soát các lực lượng quân sự, chính vì thế, Berlin cho rằng các nghị sỹ Đức cần có quyền tiếp cận với các binh sỹ Đức theo quy định của luật pháp nước này. Phát biểu trước báo giới, nghị sỹ Alexander Neu của đảng Cánh tả ở Đức – người dự kiến sẽ tới thăm căn cứ không quân Konya vào ngày 17/7 cảnh báo, nếu như Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận các chuyến thăm của các nghị sỹ Đức vào trước tháng 9/2017, thì việc Đức rút lực lượng khỏi các căn cứ không quân tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là điều đúng đắn.
 

Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức chưa có dấu hiệu được thu hẹp, ngày 16/7, phát ngôn viên NATO hy vọng hai nước có thể ấn định “một thời điểm phù hợp” cho phép các nghị sỹ Đức tới thăm các căn cứ không quân đóng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo quan điểm của phát ngôn viên trên thì hai nước đồng minh của NATO có thể giải quyết được cuộc tranh cãi này nếu như cùng tham gia vào một cuộc gặp trực tiếp.
 

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây cũng nhấn mạnh rằng các nghị sỹ Đức cần được phép tới thăm các binh sỹ Đức đang làm nhiệm vụ tại căn cứ không quân của NATO đóng tại Konya. Phát biểu trên truyền hình, bà Merkel cho rằng “toàn bộ sự việc này là một điều không may mắn”, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các vòng đối thoại trong tương lai để tìm kiếm giải pháp cho tình huống khó xử hiện nay giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức, với sự trợ giúp của NATO./.

Thu Lan (Theo DW, PressTV)