Ngày 26/6, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã từ chối loại bỏ khả năng điều chỉnh hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa của khối nhằm chống lại mối đe dọa tiềm tàng từ hệ thống tên lửa mới của Nga.
Trả lời câu hỏi liệu NATO có thể sử dụng lá chắn trị giá hàng tỷ USD để chống lại các tên lửa mới của Nga hay không, ông Stoltenberg cho biết mình sẽ không tiết lộ chính xác những gì NATO sẽ làm vì liên minh vẫn tập trung ưu tiên vào việc làm cho Moskva tuân thủ trở lại Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Tổng thư ký NATO chỉ tuyên bố rằng tổ chức này không có ý định triển khai các tên lửa hạt nhân mặt đất mới ở châu Âu.
[Nga tuyên bố sẽ đáp trả quân sự các mối đe dọa từ NATO]
Hồi tháng Hai, Mỹ đã bắt đầu một tiến trình kéo dài sáu tháng để rút khỏi INF ký năm 1987 với Liên Xô khi đó, với lý do các tên lửa SSC-8 của Nga vi phạm các thỏa thuận của Hiệp ước.
Hiệp ước INF, được coi là nền tảng của an ninh hạt nhân châu Âu, sẽ kết thúc vào ngày 2/8 trừ khi Nga thay đổi quyết định và các Bộ trưởng quốc phòng NATO phải cân nhắc những bước cần thực hiện để đáp trả.
Vào năm 2010, các đồng minh NATO đã quyết định phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo để bảo vệ công dân châu Âu khỏi sự tấn công từ bên ngoài.
Vào thời điểm đó, NATO viện cớ để chống lại bất kỳ mối đe dọa nào đến từ Triều Tiên hoặc Iran.
Bất chấp sự phản đối kịch liệt của Nga, liên minh luôn khẳng định rằng hệ thống này không bao giờ được dùng để chống lại Moskva./.
(Vietnam+)