Hiện NATO đang tiến hành hàng loạt cải cách trong các bộ máy chỉ huy để phù hợp với tình hình mới trước những nguy cơ mà NATO đánh giá là tinh vi và phức tạp hơn. Các thách thức toàn cầu đòi hỏi NATO đang phải đối mặt bao gồm vấn đề Triều Tiên, Trung Đông... và sự thay đổi trong quan điểm của Mỹ về NATO dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 5/2 phát biểu tại một hội nghị an ninh thường niên của Ủy ban Đại Tây Dương tại Oslo (Na Uy) đã nhấn mạnh 3 nhiệm vụ quan trọng nhất mà NATO phải đối mặt trong tương lai khi giải quyết một thực tế chính sách an ninh mới, đó là tăng cường khối phòng thủ tập thể trong từng nước, xử lý khủng hoảng, bất ổn bên ngoài và củng cố các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Hướng đến mục tiêu này, NATO kêu gọi các nước thành viên gia tăng ngân sách quốc phòng với tỉ lệ 2% GDP. Mặt khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump lâu nay vẫn hối thúc các nước NATO tăng ngân sách quốc phòng để giảm bớt gánh nặng chi phí quân sự của Mỹ tại tổ chức này.
Ngày 7/2 vừa qua, Chính phủ Pháp công bố dự thảo ngân sách quốc phòng từ năm 2018 đến năm 2025, theo đó tăng 40% khoản chi ngân sách cho lĩnh vực nêu trên. Theo đó, ngân sách chi cho các hoạt động quốc phòng của Pháp từ 34,2 tỷ euro trong năm 2018 lên 50 tỷ euro vào năm 2025. Với kế hoạch này, Pháp tiến gần hơn tới mục tiêu tỷ lệ chi ngân sách quốc phòng chiếm 2% GDP mà NATO yêu cầu.
Trong khi đó, một vấn đề khác không kém phần quan trọng mà NATO đặc biệt chú trọng là hình thành các Bộ Tư lệnh ở các khu vực. Lý do được các nhà quan sát quốc tế nhận định là vì "tình hình căng thẳng gia tăng với Nga đã khiến các thành viên NATO phải cân nhắc lại tốc độ tăng cường lực lượng ở tiền tuyến hoặc di chuyển quân đội đến các vùng xung đột bất ngờ".
Để đáp ứng mục tiêu nói trên và chuẩn bị cho cuộc họp cấp Bộ trưởng Quốc phòng NATO sắp tới tại Brussels (Bỉ), Mỹ và Đức đã đề nghị xây dựng hai bộ tư lệnh mới của NATO tại hai quốc gia này nhằm khắc phục những điểm yếu trước bất kỳ xung đột tiềm tàng nào.
Hai bộ tư lệnh này bao gồm một bộ tư lệnh hậu cần với nhiệm vụ vận chuyển nhân lực và vật lực nhanh hơn và một bộ tư lệnh về các hoạt động tại Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương - tập trung vào việc bảo vệ các tuyến đường biển, có vai trò rất quan trọng để tiếp tế cho châu Âu và đối phó với các mối đe dọa từ tàu ngầm.
Đáng chú ý là mới đây, hãng tin Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết Mỹ đang tiếp tục gây sức ép với các đồng minh châu Âu trong NATO nhằm thành lập một phái bộ huấn luyện-cố vấn dài hạn tại Iraq. Điều này cho thấy Mỹ muốn mở rộng ảnh hưởng và tầm hoạt động của NATO trên nhiều khu vực…
Những diễn biến trên cho thấy, với vai trò nòng cốt, Mỹ, Đức, Pháp muốn nhanh chóng gia tăng tiềm lực quân sự và tính linh hoạt của NATO để đối phó với điều mà tổ chức này đưa ra "về những thách thức an ninh trên toàn cầu". Trong đó, Nga cũng được xem là tác nhân trực tiếp để NATO thúc đẩy các mục tiêu chiến lược quân sự khi mà quan hệ Nga - Mỹ cũng như Nga với Liên minh châu Âu hiện đang ở mức thấp nhất kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc đến nay.
Tuyết Minh