Đối với tỉnh Quảng Trị, tính chung trong giai đoạn 2001 - 2005, tổng vốn đầu tư công đạt khoảng 3 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 52% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; giai đoạn 2006 - 2010 đạt khoảng 9 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; giai đoạn 2011 - 2015 đạt khoảng 15 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 36% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến đạt khoảng 21 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 21% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Có thể thấy vốn đầu tư công mặc dù có xu hướng giảm dần do Chính phủ thực hiện quyết liệt chủ trương thắt chặt đầu tư nhưng vẫn chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Vậy nên việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư này có ý nghĩa rất quan trọng và cấp thiết.
Bởi lẽ, mô hình tăng trưởng của tỉnh Quảng Trị hiện nay vẫn theo chiều rộng, tức là còn phụ thuộc khá nhiều vào việc gia tăng đầu tư, do vậy nếu đầu tư công kém hiệu quả sẽ nhanh chóng dẫn đến những tác động tiêu cực lên nền kinh tế địa phương như gia tăng gánh nặng nợ, mất cân đối trong quá trình phát triển cũng như phân bổ nguồn lực, tăng trưởng không cao, kém bền vững, dễ bị tổn thương khi có những yếu tố kinh tế từ bên trong cũng như bên ngoài tác động. Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành, quán triệt quá trình thực hiện công tác quản lý và sử dụng vốn đầu tư công của tỉnh hết sức nghiêm túc, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Các khâu trong quá trình quản lý đầu tư công bắt đầu từ định hướng, chủ trương đầu tư đến việc thẩm định, lựa chọn, xây dựng kế hoạch, thực thi kế hoạch và giám sát, đánh giá đầu tư đều được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình và đảm bảo tiết kiệm.
Các nguồn vốn đầu tư công được phân bổ ngày càng tập trung hơn. Tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư được cải thiện rõ rệt. Nợ đọng xây dựng cơ bản được kiểm soát chặt chẽ và có lộ trình xử lý dứt điểm theo đúng quy định. Công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư công có chuyển biến tích cực. Song bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận đó vẫn còn nổi lên những hạn chế và yếu kém cần được khắc phục như chế độ, chính sách của nhà nước về đầu tư công chậm được ban hành, còn chồng chéo, gây lúng túng trong quá trình thực hiện. Nhiều dự án đầu tư, trong đó có những dự án động lực, trọng điểm được đốc thúc chỉ đạo thường xuyên nhưng kết quả thực hiện còn chậm, khả năng giải ngân thấp so với yêu cầu. Công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều vướng mắc.
Tư duy, năng lực quản lý của không ít các chủ đầu tư chậm được đổi mới, còn thụ động, ỷ lại và đặc biệt là yếu kém trong việc đề cao tinh thần trách nhiệm. Năng lực của các nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây dựng chưa đáp ứng yêu cầu cả về lượng và chất. Hệ quả của sự yếu kém này ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai thực hiện cũng như chất lượng, hiệu quả và hiệu lực của đầu tư công. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư công trong thời gian tới, tỉnh đang quán triệt các nguyên tắc và tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng, đảm bảo quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn dài hạn, có tính toán các nguồn lực đầu tư và lộ trình thực hiện.
Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp phân cấp đầu tư công với phân cấp quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao công tác cải cách hành chính, rà soát, loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, đảm bảo công khai, minh bạch, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng. Tăng cường quản lý năng lực hoạt động của các nhà thầu tư vấn, thi công xây dựng, thực hiện đấu thầu thực chất, công bằng và rộng rãi cho mọi thành phần kinh tế với các nguồn vốn đầu tư công. Thường xuyên thẩm định về năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu và công khai đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.
Đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra và kiểm toán các công trình, dự án, đặc biệt tập trung vào các khâu yếu kém dễ xảy ra tiêu cực. Trong đó các cơ quan thanh tra cần tăng cường công tác chuyên môn nghiệp vụ để thẩm định, đối chiếu, so sánh, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cùng với việc ban hành đầy đủ hệ thống chế tài để nâng cao trách nhiệm của người quản lý; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định và xuất toán các khoản chi sai mục đích, không đúng đối tượng, đơn giá, không đúng tiêu chuẩn định mức, vượt dự toán, cần hoàn thiện cơ chế đánh giá và giám sát đầu tư công, khuyến khích, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, các tổ chức nghề nghiệp, đoàn thể quần chúng… trong việc giám sát, phát hiện và đánh giá hoạt động đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác quản lý đầu tư công là hoạt động có vai trò cực kỳ quan trọng đến sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, không chỉ góp phần tạo lập cơ sở hạ tầng đồng bộ mà còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Với ý nghĩa đó, việc nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác quản lý đầu tư công đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực, đồng bộ của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của các chủ đầu tư, nhà thầu và sự chung tay của cả cộng đồng dân cư trong tất cả các khâu, các bước của hoạt động đầu tư công. Thực hiện tốt việc này, sẽ tạo cơ sở để tỉnh Quảng Trị tiếp tục có những bước đột phá, đạt mức phát triển trung bình của cả nước trong tương lai gần.
Nguyễn Lan Hương