|
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: An Phong
|
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2020 Bộ, ngành Tư pháp đã tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua 17 luật (nâng số luật, pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cả nhiệm kỳ 112 văn bản)…; các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 968 văn bản QPPL trong số hơn 5.300 văn bản QPPL của cả nhiệm kỳ; ở các địa phương cấp tỉnh, cấp huyện có gần 4.200 văn bản QPPL đã được ban hành (tính cả nhiệm kỳ là gần 35.000 văn bản)…
Công tác thẩm định văn bản QPPL tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ. Năm 2020, Bộ Tư pháp đã thẩm định 258 dự thảo; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 405 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định 4.162 dự thảo và 983 dự thảo do các phòng tư pháp thẩm định. Tính cả nhiệm kỳ, toàn ngành Tư pháp đã thẩm định trên 42.000 văn bản…
Năm 2020, Bộ Tư pháp và tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã kiểm tra theo thẩm quyền gần 5.400 văn bản (tính cả nhiệm kỳ là hơn 40.000 văn bản)... Thông qua hoạt động kiểm tra, nhiều văn bản trái pháp luật được đề xuất xử lý kịp thời để ngăn ngừa, hạn chế những tác động tiêu cực đối với xã hội.
Năm 2020, ngành tư pháp đã tập trung rà soát được hơn 32.000 văn bản QPPL… Đặc biệt, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản đã tổ chức rà soát 10 chuyên đề, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh với gần 8.800 văn bản…
Bộ Tư pháp và hệ thống thi hành án dân sự (THADS) chỉ đạo, điều hành quyết liệt việc phòng chống tham nhũng, vi phạm trong thi hành án. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành được trên 53.000 tỷ đồng (tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2019), trong đó có trên 14.000 tỉ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi…
Tính chung trong cả nhiệm kỳ 2016-2020, các cơ quan THADS đã thi hành xong trên 2,8 triệu việc (tăng 20,3% so với nhiệm kỳ trước), tương ứng trên 205 nghìn tỷ đồng (tăng 56% so với nhiệm kỳ trước). Kết quả công tác THADS, thi hành án hành chính đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân…
Định hướng công tác tư pháp nhiệm kỳ 2021 – 2025 tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu như: Phát huy vai trò quan trọng của Bộ, ngành Tư pháp trong việc tham mưu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm hệ thống pháp luật Việt Nam đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, công khai, minh bạch…; nghiên cứu xây dựng Luật về tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nhằm khắc phục triệt để tình trạng nợ ban hành văn bản QPPL, sớm đưa các luật, pháp lệnh vào cuộc sống; tiếp tục hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, hành chính…; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp; đẩy mạnh hiện đại hóa các lĩnh vực công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, xử lý vi phạm hành chính…; chủ động phòng ngừa và tăng cường năng lực giải quyết tranh chấp, khiếu kiện trong hoạt động đầu tư quốc tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hợp tác với nước ngoài về pháp luật và tương trợ pháp luật…; đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo của Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp để bổ sung nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp có năng lực, trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội…; kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế và các cơ quan tư pháp địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương, ghi nhận những kết quả mà Bộ, ngành Tư pháp đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh, việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Vai trò, trách nhiệm của Bộ, ngành Tư pháp trong giai đoạn tới ngày càng quan trọng, đòi hỏi Bộ, ngành Tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò “nhạc trưởng” trong việc tham mưu xây dựng và thi hành pháp luật.
Cần tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chỉ thị 43 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng thi hành pháp luật, bảo đảm hệ thống pháp luật Việt Nam thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có hiệu lực, hiệu quả cao, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia. Bộ Tư pháp và các sở tư pháp cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tập trung khắc phục cho được những mâu thuẫn, chồng chéo, không đồng bộ trong hệ thống pháp luật. “Chồng chéo là vấn đề lớn hiện nay, do đó, pháp điển hóa pháp luật là vấn đề cần tiếp tục đặt ra cho ngành Tư pháp”.
Không để xảy ra tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật. Đổi mới và cải cách mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính tư pháp, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, nuôi con nuôi, hình thành được mạng lưới dịch vụ pháp lý rộng khắp, thuận tiện, tin cậy cho người dân, doanh nghiệp…. và nhiều vấn đề khác.
An Phong