Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 114  nhiệm vụ, đã hoàn thành 66 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 48 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn.

Công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp tiếp tục tăng 01 bậc, xếp thứ 3/18 bộ, ngành được đánh giá.

 

Hội nghị công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2019. (Ảnh: TH)


Chất lượng hồ sơ đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được cải thiện tốt hơn, nợ đọng văn bản quy định chi tiết giảm so với cùng kỳ; ngày càng xuất hiện các mô hình hay, hiệu quả trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL); giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là trong cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP), chứng thực, công chứng, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, gắn với việc hiện đại hoá, đơn giản hoá thủ tục hành chính

Công tác kiểm tra VBQPPL, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền 6.454 VBQPPL. Qua kiểm tra, bước đầu phát hiện 122 văn bản trái nội dung, thẩm quyền; 66/122 văn bản đã được xử lý.

Công tác thi hành án dân sự (THADS), theo dõi thi hành án hành chính, nhất là trong việc xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài, xử lý thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được lãnh đạo các cấp, các ngành liên quan rất quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc rà soát, đề xuất sửa đổi một số quy định xử phạt vi phạm hành chính còn chưa kịp thời. Việc xử lý văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền vẫn còn chậm. Công tác PBGDPL còn dàn trải, hình thức, chưa linh hoạt theo sát các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc định hướng dư luận xã hội. Trong công tác THADS, tỷ lệ thi hành xong về việc và tiền giảm nhẹ so với cùng kỳ 2018 . Số việc và số tiền phải chuyển kỳ sau đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, tình hình hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp, trong đó có hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, thừa phát lại…ngày càng diễn biến phức tạp.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận những kết quả bộ, ngành tư pháp đã đạt được trong 6 tháng qua. Bộ trưởng đề nghị trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo phù hợp với nguồn nhân lực và nguồn kinh phí. Cụ thể, các bộ, ngành cần lưu tâm hơn tới chất lượng và thời hạn của các hồ sơ trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; nâng cao chất lượng tham mưu của đội ngũ pháp chế các bộ, ngành, đặc biệt là trong công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện sai phạm và chấn chỉnh tình trạng các Văn phòng Công chứng thành lập ồ ạt; xử lý tốt các thông tin trong cấp phiếu LLTP; quan tâm tới công tác kiểm tra tình hình thi hành pháp luật của người dân; ngành THADS thực hiện các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao…/.

 

 

Thu Hằng