Phóng viên TTXVN tại châu Phi đưa tin lãnh đạo các phe phái đối địch ở Nam Sudan ngày 3/4 đã ký thỏa thuận về điều khoản then chốt liên quan đến vấn đề quân sự trong hiệp định hòa bình, động thái được ca ngợi là bước đột phá lớn trong tiến trình hòa giải tại quốc gia châu Phi này.
Tổng thống Salva Kiir và đối thủ của ông, Phó Tổng thống Riek Machar, đã nhất trí thành lập bộ chỉ huy thống nhất các lực lượng vũ trang - một trong số những vấn đề mấu chốt chưa được giải quyết nhằm thúc đẩy quá trình thực hiện thỏa thuận năm 2018, hướng tới chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 5 năm ở Nam Sudan.
Ông Martin Abucha - người đại diện Phong trào Giải phóng Nhân dân (SPLM/A-IO) của Phó Tổng thống Machar tham gia ký thỏa thuận nêu rõ: “Hòa bình là nói về vấn đề an ninh và hôm nay, chúng tôi đã đạt được một cột mốc quan trọng.”
Ông Barnaba Marial Benjamin - Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Tổng thống Nam Sudan ca ngợi thỏa thuận trên, được ký kết nhờ vai trò trung gian hòa giải của nước láng giềng Sudan, là “bước đi cần thiết, mở ra một lộ trình ổn định cho Chính phủ của nước Cộng hòa Nam Sudan.”
[LHQ và Cơ quan giám sát hòa bình kêu gọi ngừng bắn ở Nam Sudan]
Người đứng đầu cả hai phe đều có mặt tại buổi lễ ở thủ đô Juba để ký hiệp định, trong đó quy định tỷ lệ phân bổ 60-40 có lợi cho lực lượng của Tổng thống Kiir về số lượng lãnh đạo chủ chốt trong quân đội, cảnh sát và lực lượng an ninh quốc gia của Nam Sudan.
Căng thẳng giữa các lực lượng trung thành với Tổng thống Kiir và Phó Tổng thống Machar - cựu thủ lĩnh phiến quân - đã gia tăng trong thời gian gần đây, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại Nam Sudan sẽ quay trở lại tình trạng xung đột.
Ông Mohamed Hamdan Daglo, người giữ vai trò quan trọng thứ hai trong hội đồng cầm quyền sau cuộc đảo chính ở Sudan, đã đến thủ đô Juba hôm 1/4 nhằm giúp phá vỡ thế bế tắc trong thỏa thuận an ninh ở Nam Sudan.
Sudan, một trong những bên bảo trợ cho thỏa thuận năm 2018, đưa ra đề xuất về thỏa thuận nói trên sau khi Tổng thống Kiir ra sắc lệnh thành lập cơ cấu chỉ huy quân sự vào ngày 25/3 - quyết định bị Phó Tổng thống Machar nhanh chóng bác bỏ vì cho rằng đó là hành động “mang tính đơn phương.”
Nam Sudan, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới mặc dù có trữ lượng lớn dầu mỏ, đã phải hứng chịu những bất ổn kéo dài nhiều năm kể từ khi tuyên bố độc lập khỏi Sudan vào năm 2011.
Tình trạng xung đột đã khiến gần 400.000 người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa./.
Nguyễn Tú (TTXVN/Vietnam+)