Tối 30/9, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết ông đã điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson để thảo luận việc đưa Nam Phi ra khỏi "danh sách đỏ" về hạn chế đi lại của Anh.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, trong bài phát biểu thông báo chuyển đất nước xuống chế độ phong tỏa cấp độ 1 - cấp độ thấp nhất - được phát sóng trên truyền hình, Tổng thống Ramaphosa cho biết cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh trước đó trong cùng ngày có dấu hiệu tích cực và hai bên có thể đi đến thống nhất trong một vài ngày tới.
Ông Ramaphosa cho biết: “Cả hai chúng tôi đều đồng ý rằng các quyết định về vấn đề này nên được thông báo trên cơ sở khoa học và đều hy vọng sẽ có một kết quả tích cực khi vấn đề được đưa ra xem xét trong những ngày tới.”
Trước đó, Anh đã áp đặt lệnh hạn chế đi lại đối với Nam Phi, đưa quốc gia này vào "danh sách đỏ" các điểm đến du lịch trong một hệ thống cảnh báo đi lại trong đó các quốc gia được phân hạng theo màu đỏ, xanh lá cây hoặc vàng tùy theo diễn biến tình hình dịch COVID-19 tại các quốc gia đó.
Việc Nam Phi nằm trong "danh sách đỏ" có nghĩa là những người đến Anh từ Nam Phi (bao gồm cả người dân Anh) phải cách ly trong 10 ngày tại một khách sạn do chính phủ chỉ định gần sân bay, với chi phí tự túc là hơn 2.000 bảng Anh (khoảng 2.700 USD).
Theo Tổng thống Ramaphosa, việc bị đưa vào "danh sách đỏ" đã khiến Nam Phi rơi vào tình thế bất lợi vì du khách từ Anh là nguồn du lịch lớn nhất của Nam Phi từ Bắc bán cầu và là một đối tác thương mại quan trọng.
Trước đại dịch, Anh là quốc gia bên ngoài châu Phi có số du khách đến thăm Nam Phi lớn nhất với hơn 400.000 du khách mỗi năm.
[Anh bị phê phán kỳ thị đối với các vaccine được tiêm ở Châu Phi]
Khúc mắc hiện giờ là các nhà khoa học Anh lo ngại về sự hiện diện của biến thể Beta có nguồn gốc từ Nam Phi. Tuy nhiên, Tổng thống Ramaphosa nhấn mạnh, trên thực tế biến thể Delta mới là biến thể chính đang hoành hành tại Anh.
Ông kêu gọi người dân Nam Phi đi tiêm vaccine đầy đủ nhằm giúp đất nước được xem tuyên bố là "điểm đến an toàn,” mang lại lợi ích cho du lịch vào mùa Hè này.
Theo Tổng thống Ramaphosa, ưu tiên lớn nhất của Nam Phi hiện nay là đảm bảo nền kinh tế phục hồi càng nhanh càng tốt để có thể tạo ra việc làm và giúp các doanh nghiệp đứng vững trở lại.
Ông nhấn mạnh: “Nếu chúng ta có thể đạt được mục tiêu tiêm chủng - với 70% người dân trong độ tuổi trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ - vào cuối năm nay, chúng ta có thể tránh được những hạn chế hơn nữa và thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế của chúng ta đạt mức cao.”
Bên cạnh đó, Bộ Y tế Nam Phi đang có kế hoạch triển khai giấy chứng nhận tiêm chủng cho người dân. Theo Tổng thống Ramaphosa, giấy chứng nhận này có thể được sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, tiếp cận các cơ sở, các cuộc tụ tập và các hình thức hoạt động khác yêu cầu bằng chứng về tình trạng tiêm chủng.
Ông nói thêm: “Việc hợp lý hóa và tiêu chuẩn hóa bằng chứng tiêm chủng cũng sẽ cần một thời gian dài hướng tới việc nới lỏng một số hạn chế đi lại giữa Nam Phi và các quốc gia khác trên thế giới.”
Theo số liệu từ cơ quan y tế, Nam Phi đã tiêm hơn 17 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Theo đó, hơn 8,6 triệu người được tiêm chủng đầy đủ, chiếm hơn 1/5 dân số trưởng thành. Khoảng 60% người Nam Phi trên 60 tuổi và 50% người từ 50 đến 59 tuổi hiện đã được tiêm ít nhất một liều vaccine./.
Hồng Minh (TTXVN/Vietnam+)