Năm 2022, lượng vũ khí nhập khẩu vào châu Âu tăng đột biến 

(ĐCSVN) – Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến Mỹ được “hưởng lợi” và dẫn đến sự gia tăng lớn trong nhập khẩu vũ khí vào châu Âu. Tuy nhiên, ở những nơi khác trên thế giới, việc vận chuyển vũ khí giữa các quốc gia đang có xu hướng giảm dần.
Năm 2022, lượng vũ khí nhập khẩu vào châu Âu tăng đột biến

Đây là thông tin được nêu lên trong Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 13/3 về tình hình xuất, nhập khẩu vũ khí trên thế giới.

Ảnh minh họa: Martin Meissner/AP Photo/picture alliance

Báo cáo của SIPRI nêu rõ, trong khi phần còn lại của thế giới đang diễn ra tiến trình giải trừ vũ khí một cách khiêm tốn thì tình hình tại châu Âu lại đang diễn biến theo chiều ngược lại. Cụ thể, trong năm 2022, nhập khẩu vũ khí vào châu Âu tăng 93% so với năm 2021, phần lớn do nhập khẩu vào Ukraine. Theo phân tích của SIPRI, mức tăng trên một phần do các quốc gia trong khu vực tăng chi tiêu quân sự, trong khi các hoạt động nhập khẩu vũ khí sẽ tiếp tục tăng.

Trong khi đó, trái với châu Âu, nhập khẩu vũ khí của các châu lục khác đều giảm trong 5 năm qua. Giảm mạnh nhất là châu Phi, với mức giảm ghi nhận được là 40%. Khu vực Bắc và Nam Mỹ giảm 20%, châu Á giảm 7% và Trung Đông giảm 9%

Trong giai đoạn 2018-2022, các hoạt động buôn bán vũ khí trên thị trường quốc tế chỉ giảm hơn 5% so với giai đoạn 2013-2017. Ngược lại, nhập khẩu vũ khí của các nước châu Âu - phần lớn là vũ khí do Mỹ cung cấp, lại tăng 47%, trong khi con số này của các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở khu vực châu Âu lên tới 65%.

Ông Pieter D Wezeman – một nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình chuyển giao vũ khí SIPRI cho rằng, ngay cả khi việc chuyển giao vũ khí đã giảm trên toàn cầu, thì những hoạt động này lại tăng mạnh ở châu Âu do quan hệ căng thẳng giữa Nga và hầu hết các quốc gia châu Âu khác.

 “Sau cuộc khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các quốc gia châu Âu muốn nhập khẩu nhiều vũ khí hơn, nhanh hơn” – ông Pieter nói.

Số liệu của SIPRI cho thấy trong năm 2022, nhập khẩu vũ khí của Ukraine, bao gồm cả vũ khí viện trợ, tăng hơn 60 lần, chủ yếu là vũ khí trong kho dự trữ của các nước. Theo đó, riêng Ukraine chiếm 31% lượng vũ khí nhập khẩu ở châu Âu và 8% tổng lượng vũ khí được bán ra trên toàn thế giới.

Trong quá khứ, Ukraine không phải là một bên tham gia chính trong các hoạt động buôn bán vũ khí quốc tế. Quốc gia Đông Âu này sản xuất phần lớn thiết bị quốc phòng ở thị trường nội địa và phần thiết bị còn lại là từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất của SIPRI, Ukraine lại vươn lên đứng thứ 14 trong danh sách các nhà nhập khẩu vũ khí toàn cầu và nếu tính riêng năm 2022, thì vị trí này là thứ 3.

Lý giải cho sự thay đổi này, SIPRI đã viện dẫn đến các hoạt động chuyển giao vũ khí – vốn đang trở thành nguồn cung cấp vũ khí chính cho Ukraine. Loại viện trợ quân sự này thường bao gồm các thiết bị cũ hơn hoặc hàng tồn kho dư thừa từ các quốc gia tài trợ.

Cũng chính vì lý do này, những vũ khí được chuyển giao cho Ukraine lại được có giá trị thấp hơn so với việc bán vũ khí mới. Ví dụ, dù Mỹ đã bàn giao số lượng lớn vũ khí cho Ukraine vào năm 2022, nhưng Washington vẫn gửi các đơn hàng có giá trị lớn hơn cho Kuwait, Ả Rập Xê út, Qatar và Nhật Bản.

Theo đánh giá của SIPRI, năm nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất theo thứ tự là: Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức. Mặc dù bảng xếp hạng này không thay đổi so với báo cáo cuối cùng được đưa ra, song lại có những thay đổi đáng kể đối với từng quốc gia.

Phân tích cụ thể của SIPRI chỉ ra rằng, nước đứng đầu danh sách là Mỹ, đã tăng lượng vũ khí xuất khẩu thêm 14% và hiện chiếm 40% lượng chuyển giao vũ khí toàn cầu. Trong khi đó, mức tăng lớn hơn là 44% đã được ghi nhận tại Pháp, đưa quốc gia này đứng ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng. Tuy nhiên, theo SIPRI, những thay đổi đột ngột như vậy không phải là bất thường, bởi vì có thể có những đơn đặt hàng đặc biệt lớn và sinh lợi trong một khung thời gian nhất định.

Hiện năm nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất theo đánh giá của SIPRI gồm: Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức đang chiếm 3/4 tổng lượng vũ khí xuất khẩu toàn cầu./.

 
T.Lan (Theo SIPRI, DW, aljazeera)
143 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 603
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 603
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87216857