Hãng thông tấn trung ương Triều tiên (KCNA) dẫn lời nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un tuyên bố vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Bình Nhưỡng ngày 4/7 là một "món quà" dành cho Mỹ vào ngày Độc lập của nước này. Theo KCNA, sau khi đích thân giám sát vụ phóng tên lửa này, ông Kim Jong-un nói rằng: "Chúng ta nên thường xuyên gửi cho họ những món quà nhằm giúp họ xua tan sự buồn tẻ” .

Đài truyền hình nhà nước Triều Tiên cho biết tên lửa có tên Hwasong-14 này đã đạt độ cao 2.802km và khoảng cách 933km trong vụ phóng thử. Đài truyền hình Triều Tiên khẳng định tên lửa đã bắn trúng mục tiêu sau khi bay khoảng 39 phút.

Trước đó, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin ngày 4/7, Triều Tiên tuyên bố nước này đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới trước đó cùng ngày, dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đồng thời khẳng định loại vũ khí này có thể bắn tới bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Quân đội Mỹ ban đầu còn hoài nghi về thông báo của Triều Tiên bắn thử một tên lửa liên lục địa và chỉ cho rằng đó là một tên lửa “tầm trung”. Tuy nhiên, sau đó Mỹ đã khẳng định đó là một ICBM.

Trong tuyên bố được đưa ra, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nêu rõ: "Mỹ kịch liệt lên án việc Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa. Vụ thử nghiệm một ICBM tạo nên sự leo thang mới của mối đe dọa đối với Mỹ, với các đồng minh và đối tác của chúng tôi, với khu vực và thế giới". Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định Mỹ "sẽ không bao giờ chấp nhận một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân".

Người phát ngôn của Lầu Năm Góc Dana White cũng tuyên bố nhấn mạnh: "Chúng tôi vẫn chuẩn bị tự vệ và bảo vệ các đồng minh của mình cũng như vận dụng toàn bộ khả năng để chống lại mối đe dọa gia tăng từ Triều Tiên. Cam kết của chúng tôi trong việc bảo vệ các đồng minh của mình, Hàn Quốc và Nhật Bản, đối mặt với các mối đe dọa đó là không đổi”.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn cấp

Ngay sau vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên, ngày 4/7, Mỹ đã yêu cầu “các biện pháp mạnh hơn” trong khi kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhóm họp khẩn cấp. Và theo kế hoạch, Hội đồng Bảo an sẽ nhóm họp vào 19 giờ GMT ngày 5/7 (tức 2 giờ sáng 6/7 theo giờ Việt Nam).

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley đã ngay lập tức có cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Liu Jieyi, hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an trong tháng này, để truyền tải yêu cầu của Mỹ.

Phản ứng về vụ thử tên lửa của Triều Tiên, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên án mạnh mẽ vụ việc này. Tuyên bố của Tổng thư ký nhấn mạnh: “Hành động này một lần nữa là sự vi phạm trắng trợn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và đẩy tình hình leo thang nguy hiểm". "Các nhà lãnh đạo của Triều Tiên phải kiềm chế mọi hành động khiêu khích và tôn trọng đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế của họ" – tuyên bố nêu rõ. Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế để giải quyết trước một "thách thức nghiêm trọng".

Liên minh châu Âu tố cáo "một sự vi phạm trắng trợn nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc", đồng thời cho biết đang xem xét các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng.

Nga và Trung Quốc ngày 4/7 đã kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc dừng ngay các cuộc tập trận nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Sau cuộc hội đàm của Tổng thống Nga Vladimir Putin với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Kremlin, hai nước cũng yêu cầu Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ cùng tham gia kế hoạch được đề xuất liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Ngoài ra, Nga và Trung Quốc cũng kêu gọi Mỹ dừng ngay việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Hàn Quốc.

Tuyên bố sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh phản đối việc Triều Tiên vi phạm các nghị quyết được thông qua bởi Liên hợp quốc về tên lửa và thử hạt nhân. Trung Quốc kêu gọi kiềm chế và bảo đảm rằng Bắc kinh không tiếc các nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia. Trong cuộc gặp với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm trước, nhà lãnh đạo Hàn Quốc từng đánh giá đây là lúc tạo cơ hội cuối cùng cho Triều Tiên bắt đầu một cuộc đối thoại.

Phát biểu tại cuộc họp Quốc hội, trả lời câu hỏi về việc liệu Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo có cho rằng Triều Tiên sẽ sớm tiến hành vụ thử hạt nhân hay không, ông Han Min-koo đáp: "Mục tiêu cuối cùng của Triều Tiên là vũ khí hóa sức mạnh hạt nhân của họ, do vậy tôi thấy nhiều khả năng điều đó sẽ xảy ra. Chúng tôi biết họ luôn sẵn sàng tiến hành các vụ thử hạt nhân, song cho đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào".

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết ông dự định sẽ yêu cầu Nga và Trung Quốc đóng một vai trò mang tính xây dựng hơn để đối mặt với vấn đề của Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức ngày 7 – 8/7 tới ở Hamburg./.

Khánh Linh (Tổng hợp theo báo chí nước ngoài)