Đây được đánh giá là một động thái mang tính thiện chí và nỗ lực của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới nhằm “xích lại gần nhau hơn” trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn biến căng thẳng.
Tờ Thời báo New York, ngày 5/11 dẫn tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu nước này tham gia vòng đối thoại an ninh và ngoại giao Mỹ-Trung lần thứ 2 với phái đoàn Trung Quốc do Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) làm trưởng đoàn.
Trong một tuyên bố đưa ra vào tháng trước, Trung Quốc cho biết nước này và Mỹ đã nhất trí “về nguyên tắc” tổ chức vòng đối thoại an ninh và ngoại giao lần thứ 2 vào trung tuần tháng 10/2018. Tuy nhiên, sự kiện này đã bị trì hoãn trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang tồn tại nhiều bất đồng chưa thể thu hẹp. Về phía Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra những lập luận trái ngược và cho rằng, nguyên nhân của việc trì hoãn này xuất phát từ yêu cầu của bên còn lại.
Thông báo về việc nối lại vòng đối thoại an ninh và ngoại giao Mỹ-Trung lần thứ 2 được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tiến hành điện đàm vào cuối tuần trước. Đáng chú ý là trong cuộc điện đàm này, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra những nhận định lạc quan về triển vọng tháo gỡ mối quan hệ căng thẳng về thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11/2018 tại Argentina.
Ngày 5/11, Tổng thống Mỹ D.Trump cho biết, Trung Quốc đang muốn tìm kiếm một thỏa thuận với Mỹ. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng cũng lưu ý thêm rằng, Mỹ sẵn sàng theo đuổi một bản thỏa thuận “công bằng và đúng đắn”, còn nếu không, Mỹ sẽ không thực hiện công việc này.
Trước đó, phát biểu khai mạc một cuộc triển lãm thương mại ngày 5/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đưa ra cam kết nước này sẽ thực hiện các biện pháp cắt giảm thuế, mở rộng quyền tiếp cận thị trường và tăng nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường bên ngoài.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu bùng phát căng thẳng sau khi Washington áp đặt các biện pháp đánh thuế nhằm vào lượng hàng hóa trị giá 250 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, dẫn tới việc chính quyền Bắc Kinh đưa ra các biện pháp trả đũa thông qua việc đánh thuế lên lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 110 tỷ USD. Tình hình được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu hơn sau khi Mỹ thực hiện lời cảnh báo tiếp tục áp đặt một gói đánh thuế mới lên lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 267 tỷ USD từ Trung Quốc nếu như những căng thẳng về thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới không được giải tỏa.
Chính vì thế, giới quan sát kỳ vọng việc Mỹ và Trung Quốc nối lại vòng đối thoại an ninh và ngoại giao cấp cao lần thứ 2 vào cuối tuần này sẽ mở ra cơ hội để hai cường quốc cải thiện tình hình và chặn đứng kịch bản quan hệ song phương tiếp tục bị đẩy xuống mức thấp. Ông Jim Sutter – Chủ tịch Hội đồng Xuất khẩu đậu nành của Mỹ cho rằng, cả Mỹ và Trung Quốc đều nhận thức được tính cần thiết của việc duy trì các mối quan hệ song phương. “Tôi cho rằng, hai nước đều đang lạc quan…và lại càng lạc quan hơn sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo vào cuối tuần trước, rằng một giải pháp có thể được đưa ra” – ông Sutter nói./.
Thu Lan (Theo aljazeera, NHK, nytimes)