Đây là vòng đàm phán thứ 8 tại Doha giữa quân nổi dậy Afghanistan và Mỹ, đại diện là đặc phái viên của Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad.
Washington đang nỗ lực để giành được thỏa thuận chính trị với Taliban trước cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan dự kiến vào ngày 28/9 tới.
Phát biểu với giới báo chí ngày 2/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: "Chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ, chúng tôi đang trao đổi”.
Để đổi lấy việc rút quân, Mỹ yêu cầu Taliban cam kết ngừng bắn và cắt đứt mọi mối quan hệ với nhóm thánh chiến Al Qaeda.
Theo tờ Washington Post, thỏa thuận được đề xuất trên bàn đàm phán có kế hoạch giảm số lượng lính Mỹ ở Afghanistan xuống còn 8.000 quân từ 14.000 quân như hiện tại.
Thỏa thuận hòa bình này được thiết lập sau các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng giữa đặc phái viên của Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad và đại diện Taliban. Theo đó, tất cả các vướng mắc của thỏa thuận nên được giải quyết trước cuộc bầu cử Tổng thống ở Afghanistan vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, theo người đại diện của Taliban, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết.
Lực lượng quân đội Mỹ đã hiện diện ở Afghanistan từ năm 2001. Vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, ở Afghanistan có khoảng 9.000 lính Mỹ. Trong chiến dịch quân sự dài nhất của Mỹ chống lại Taliban ở Afghanistan, các vùng lãnh thổ do nhóm này kiểm soát không những không giảm đi mà còn có chiều hướng gia tăng.
Thỏa thuận hòa bình…
Tuyên bố trên trang mạng Twitter hôm 2/8, đặc phái viên của Mỹ về Afghanistan nhấn mạnh: "Chúng tôi đang hướng tới một thỏa thuận hòa bình, không phải là một thỏa thuận rút lui (quân đội): một thỏa thuận hòa bình cho phép rút lui".
Phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Pakistan Imran Khan tại Islamabad, ông cũng nêu rõ: "Sự hiện diện của chúng tôi ở Afghanistan phải tuân theo các điều kiện và bất kỳ sự rút lui nào cũng phải tuân theo các điều kiện".
Thỏa thuận giữa Washington và Taliban thực sự sẽ mở đường cho một cuộc đối thoại "liên Afghanistan" giữa quân nổi dậy và phái đoàn chính phủ Afghanistan. Nó sẽ diễn ra vào tháng 8 ở Oslo theo các nguồn tin ngoại giao.
Cho đến nay, Taliban đã kiên quyết từ chối thảo luận với chính phủ mà lực lượng này vốn coi là bất hợp pháp, ngoại trừ một cuộc họp gần đây tại Doha, trong đó các đại diện chính phủ đã tham gia "với cương vị cá nhân". Cuộc họp này, vào đầu tháng 7, đã kết thúc với lời hứa về "lộ trình hòa bình", bao gồm cả sự trở lại của những người di cư và đề cập đến quyền của phụ nữ.
…kèm theo những nghi ngờ
Thỏa thuận có thể có giữa Mỹ và Taliban, trước cuộc đối thoại liên Afghanistan, tuy vậy lại làm dấy lên những nghi ngờ giữa các chuyên gia.
Đối với chuyên gia chống khủng bố Bruce Hoffman, Taliban sẽ không ngần ngại phá vỡ mối quan hệ với Al Qaeda. Thật khó để "tin vào những lời hứa của các tổ chức khủng bố" – ông nói. "Al-Qaeda sẽ tiếp tục chiến đấu và ai có thể đặt cược rằng một khi Mỹ rời đi, họ sẽ không quay lại" – ông nhấn mạnh thêm. "Al Qaeda và Taliban sẽ cùng rảnh tay".
Ngoài ra, điều này sẽ để lại một số vấn đề nhức nhối chưa được giải quyết: đó là khả năng chia sẻ quyền lực với Taliban, tương lai của chính quyền của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, cũng như vai trò của Ấn Độ và Pakistan trong cuộc xung đột Afghanistan và cách giải quyết.
Trong khi đó, bạo lực vẫn tiếp tục tái diễn. Theo Liên hợp quốc, kỷ lục tháng 7 là tháng có thương vong nặng nhất kể từ tháng 5/2017, với hơn 1.500 dân thường thiệt mạng hoặc bị thương. Ngày 31/7, một xe buýt chở khách đã trúng bom cài bên đường khiến ít nhất 34 người thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.
Phái bộ của Liên hợp quốc tại Afghanistan cho biết: Bất chấp các cuộc đàm phán để chấm dứt chiến tranh, các dân thường vẫn tiếp tục thiệt mạng với tốc độ "không thể chấp nhận"./.
Khánh Linh (Theo AFP, Reuters, The Washington Post)