Chính quyền của Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ dùng một chương trình từ thời Đại Khủng hoảng (1929-1933) để chi trả 12 tỷ USD giúp nông dân Mỹ nhằm bù đắp những thiệt hại về kinh tế do chiến tranh thương mại gây ra.
Gói viện trợ này chủ yếu hướng tới nông dân trồng đậu nành, chăn nuôi heo và một số lĩnh vực khác đang bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ, Financial Times cho biết.
Số tiền này sẽ được triển khai theo một trong 2 hình thức, hoặc là trao tiền mặt trực tiếp cho người nông dân hoặc là mua nông sản từ nông dân để tích trữ vào ngân hàng thực phẩm dành cho người nghèo.
Đáng nói là gói viện trợ sẽ được triển khai mà không cần Quốc hội phải thông qua và Bộ phận tín dụng hàng hóa thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, Thư ký bộ Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue cho biết.
“Rõ ràng đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng như vậy Tổng thống Trump sẽ có thêm thời gian để tiếp tục chính sách thương mại dài hạn của ông”, ông Perdue chia sẻ thêm.
Cùng ngày, phát biểu tại một sự kiện ở thành phố Kansas, ông Trump tái khẳng định quyết tâm đối với chính sách thuế quan hiện tại và cam kết nông dân sẽ là những người hưởng lợi lớn nhất. “Chỉ cần một chút kiên nhẫn mà thôi”, ông nói.
12 tỷ USD đã đủ?
Nông dân Mỹ bị coi là một mục tiêu rất cụ thể trong cuộc chiến thương mại hiện nay, khi các nước tìm cách đáp trả lại các biện pháp thuế quan của ông Trump nhằm vào hàng hóa của Trung Quốc cũng như thép và nhôm của EU, Canada và Mexico. Những nền kinh tế chịu ảnh hưởng đã lần lượt chĩa “mũi giáo” vào các sản phẩm nông nghiệp Mỹ, trong đó có đậu nành, bơ sữa, thịt và rượu.
Mỹ xuất khẩu 138 tỷ USD hàng nông sản trong năm 2017, trong đó có 21,5 tỷ USD đậu nành. Chỉ riêng Trung Quốc đã nhập khẩu đến 12,3 tỷ USD đậu nành từ Mỹ trong năm ngoái (theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ).
Quy mô trợ cấp trực tiếp cho nông dân Mỹ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại này là chưa từng có - nhà kinh tế học nông nghiệp của Đại học Illinois (Mỹ), ông Scott Irwin nhận định.
“Chúng ta chưa bao giờ đền bù trực tiếp cho nông dân ở quy mô lớn như vậy vì các biện pháp đáp trả với thuế quan” – ông Irwin nêu rõ.
Tuy nhiên, thông tin về gói “cứu trợ” nông dân trị giá 12 tỷ USD của Tổng thống Trump dường như bước đầu đã có tác động nâng giá cổ phiếu của các công ty sản xuất thiết bị phục vụ cho nông nghiệp. Bởi thị trường kỳ vọng rằng nông dân sẽ có thêm tiền để chi tiêu mua máy móc phục vụ sản xuất.
“Số tiền đó sẽ hữu ích cho nông dân đang phải đối mặt với các khoản nợ đã quá hạn và khiến các ngân hàng tức giận, nhưng chắc chắn sẽ không đủ nếu điều đó có nghĩa rằng các biện pháp thuế quan và cuộc chiến thương mại này sẽ kéo dài đến một tương lai vô hạn định” – Chủ tịch Hội Nông dân Missouri, một người trông ngô và đậu nành, ông Blake Hurst nhận định. “Đó chỉ là cách băng bó tạm thời cho một vết thương tự mình gây ra”.
Một số thành viên trong chính đảng Cộng hòa của ông Trump cũng đồng ý rằng, số tiền trợ cấp dù nhiều đến mấy cũng chỉ như “muối bỏ bể” nếu nó không thực sự giải quyết vấn đề của người nông dân Mỹ.
Thế giới đang đứng trước một cuộc chiến tranh thương mại trên diện rộng mà khởi đầu là biện pháp áp thuế nhôm, thép nhập khẩu lần lượt là 10% và 25% mà Mỹ đưa ra nhằm điều chỉnh cán cân thương mại giữa quốc gia này và các đối tác trên thế giới, tạo ra một chuỗi liên hoàn các biện pháp đối kháng.
Đáng chú ý, Mỹ liên tiếp quyết định áp thuế nhập khẩu và đe dọa áp thuế với nhiều mặt hàng có tổng trị giá hàng chục tỷ USD nhập từ Trung Quốc. Bắc Kinh sau đó cũng đã tung ra các biện pháp trả đũa nhằm vào các mặt hàng nông sản chủ lực của Mỹ như đỗ tương và thịt lợn.
An Bình