Bộ Tài chính Mỹ ngày 21/3 tuyên bố nước này đã áp đặt trừng phạt 2 công ty tàu biển của Trung Quốc với cáo buộc "hỗ trợ Triều Tiên né tránh các lệnh trừng phạt của Washington."
Đồng thời, Bộ Tài chính Mỹ đưa ra một bản danh sách tư vấn cập nhật về 67 tàu thuyền liên quan tới các giao dịch xăng dầu hoặc được cho là đã nhập than của Triều Tiên.
Hai công ty của Trung Quốc là Công ty Trách nhiệm hữu hạn quốc tế Đại Liên Haibo và Công ty Trách nhiệm hữu hạn giao nhận quốc tế Liêu Ninh Danxing bị ngăn chặn tiếp cận với hệ thống tài chính của Mỹ và bị phong tỏa tất cả các tài sản ở Mỹ.
Các cá nhân và công ty làm ăn với 2 công ty này có thể phải đối mặt với các hình phạt của Mỹ.
[Hợp tác kinh tế không cản trở việc thực thi lệnh trừng phạt Triều Tiên]
Đây là những biện pháp trừng phạt đầu tiên được Mỹ áp đặt kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai diễn ra cuối tháng Hai vừa qua.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết đây chỉ là thực thi các biện pháp trừng phạt chứ không phải là gia tăng sức ép đối với Triều Tiên.
Ông Mnuchin khẳng định Tổng thống Donald Trump đã nói rõ rằng cánh cửa tiếp tục đối thoại với Triều Tiên "vẫn được để ngỏ."
Theo Bộ trưởng, Mỹ và các đối tác vẫn cam kết đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng trên bán đảo Triều Tiên và tin rằng việc thực thi đầy đủ các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên "là quan trọng để đạt kết quả thành công."
Trong nhiều năm qua, Mỹ và Liên hơp quốc đã áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm ngặt đối với Triều Tiên, cấm vận chuyển hoặc bán công nghệ, các mặt hàng cao cấp, nhiên liệu và các thiết bị quân sự cho quốc gia này./.
Bích Liên-Đặng Huyền (TTXVN/Vietnam+)