Mỹ phạt cá nhân Trung Quốc, Nga liên quan đến hạt nhân Triều Tiên 

Mỹ ngày 22/8 đã công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào 16 công ty và cá nhân của Trung Quốc và Nga với cáo buộc có liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Mỹ phạt cá nhân Trung Quốc, Nga liên quan đến hạt nhân Triều Tiên



Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven T. Mnuchin khẳng định bộ này "sẽ tiếp tục gia tăng sức ép đối với Triều Tiên thông qua các biện pháp trừng phạt những người ủng hộ việc phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên cũng như cô lập họ khỏi hệ thống tài chính Mỹ."

Theo ông, những công ty và cá nhân trong danh sách trừng phạt lần này đã giúp những người được cho là hỗ trợ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, có thỏa thuận trong hoạt động trao đổi năng lượng, thuê lao động Triều Tiên hoặc cho phép các thực thể Triều Tiên tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế. 

Washington nhấn mạnh bước đi này hoàn toàn phù hợp với nghị quyết vừa được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra hôm 5/8 do Bình Nhưỡng đã tiến hành thử 2 quả tên lửa liên lục địa hồi tháng 7. 

[Nga và Trung Quốc ủng hộ nỗ lực tập thể trong vấn đề Triều Tiên]

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cam kết Tokyo sẽ nỗ lực ngăn chặn dòng tiền tài trợ cho Triều Tiên, vốn tạo điều kiện cho nước này phát triển các chương trình tên lửa và hạt nhân bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc. 

Trả lời phỏng vấn hãng tin Kyodo, Ngoại trưởng Kono cho rằng "có thể vẫn đang tồn tại nhiều lỗ hổng luật pháp ở nhiều nơi khác nhau," theo đó, cho phép Bình Nhưỡng thu được ngoại tệ. Theo ông, biện pháp hiệu quả nhất nhằm đối phó với Triều Tiên là ngăn chặn dòng tiền chảy vào nước này cũng như cần giám sát chặt chẽ mọi sự dịch chuyển của con người, hàng hóa và nguồn vốn để bịt các lỗ hổng trên. 

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Kono còn nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực hiện kiên quyết các biện pháp trừng phạt hôm 5/8 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời kêu gọi sự hợp tác từ phía Trung Quốc. 

Theo một báo cáo mật được hãng tin Kyodo thu thập từ một nhóm chuyên gia Liên hợp quốc, Triều Tiên vẫn tiếp tục thu được ngoại tệ, trong đó riêng việc xuất khẩu hàng hóa cấm đã mang lại cho nước này ít nhất 270 triệu USD kể từ tháng 2 vừa qua. 

Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị giải trừ quân bị do Liên hợp quốc bảo trợ ở Geneva (Thụy Sĩ), cũng trong ngày 22/8, phái viên Triều Tiên Ju Yong Chol khẳng định nước này sẽ không từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa liên lục địa vì đây là sự lựa chọn "thích hợp" để phòng vệ. Bên cạnh đó, ông Ju Yong Chol còn nhấn mạnh Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ đàm phán về kho vũ khí hạt nhân phòng vệ của nước này. 

Ông Ju Yong Chol đưa ra phát biểu trên sau khi Đại sứ Mỹ về giải trừ quân bị Robert Wood cho biết ưu tiên hàng đầu hiện nay của Tổng thống Donald Trump là bảo vệ Mỹ và các đồng minh khỏi “mối đe dọa đang gia tăng” do chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Quan chức này đồng thời nhấn mạnh Mỹ vẫn duy trì tư thế sẵn sàng sử dụng “mọi năng lực hiện có” để đối phó với vấn đề này./.

468 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1000
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1000
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87116554