Tòa nhà biểu tượng thành phố New York Empire State được thắp sáng với hai màu đen và vàng. (Nguồn: nbcnewyork)
Tối 26/3 (tức sáng ngày 27/3 - giờ Việt Nam), tòa nhà biểu tượng thành phố New York Empire State được thắp sáng với hai màu đen và vàng.
Đây là một trong nhiều sự kiện được tổ chức trong “Ngày hàn gắn và hành động quốc gia” nhằm kêu gọi chấm dứt các hành động bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, đây là sáng kiến của nghị sỹ bang New York Grace Meng và thành viên quốc hội bang California Evan Low, đưa ra sau khi xảy ra các vụ xả súng ở thành phố Atlanta, bang Georgia, khiến 8 người chết, trong đó 6 người là phụ nữ gốc Á cũng như một loạt các vụ tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á ở các thành phố lớn trên cả nước Mỹ trong thời gian vừa qua.
Sáng kiến trên khuyến khích những người tham gia sử dụng hashtag “StopAsianHate” (Chấm dứt thù hận đối với người châu Á) trên các phương tiện truyền thông xã hội nhằm nâng cao tinh thần và nâng cao nhận thức của những người theo dõi họ (follower) về chủ nghĩa chống phân biệt chủng tộc đối với người châu Á.
Sự kiện này được tổ chức đúng ngày Đạo luật Nhập tịch ban đầu của Mỹ được ký thành luật vào năm 1790, theo đó cấm những người không phải da trắng trở thành công dân của Mỹ.
[Người dân New York lập đội tuần tra bảo vệ người Mỹ gốc châu Á]
Ban tổ chức sự kiện cho biết: “Hơn 200 năm sau, những người châu Á ở Mỹ vẫn đang phải chịu những tác động của nạn phân biệt chủng tộc...Những người lớn tuổi châu Á đang bị hành hung trên đường phố. Trẻ em người Mỹ gốc Á sợ đi học trở lại.”
Cùng với việc thắp sáng tòa nhà Empire State, nhiều hội thảo và các sự kiện trực tuyến cũng được tổ chức với sự chủ trì của các nhà lãnh đạo và tổ chức người Mỹ gốc Á.
"Ngày hàn gắn và hành động quốc gia" kết thúc với một lễ cầu nguyện trên toàn thế giới cho các nạn nhân trong vụ xả súng ở bang Georgia do Hiệp hội Người Mỹ gốc Hàn ở Greater Atlanta tổ chức và được truyền hình trực tuyến.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ, tỷ lệ các vụ tấn công thù hận nhằm vào người Mỹ gốc Á tăng vọt.
Một nghiên cứu gần đây từ Trung tâm Nghiên cứu về hận thù và chủ nghĩa cực đoan của Đại học bang California cho thấy mặc dù tội phạm thù hận nói chung giảm nhẹ vào năm 2020, tuy nhiên tội phạm thù hận nhằm vào người Mỹ gốc Á ở 16 thành phố lớn nhất ở Mỹ lại tăng vọt, gần 150%.
Trong một báo cáo được công bố vào đầu tháng này, Stop AAPI Hate, một trung tâm theo dõi các vụ việc chống lại người Mỹ gốc Á và người dân các đảo ở Thái Bình Dương, cho biết đã nhận được báo cáo gần 3.800 vụ tấn công thù hận nhằm vào người châu Á kể từ tháng 3/2020.
Theo trang web của Ngày Hành động người Mỹ gốc Á, đã có khoảng 500 vụ việc mang tính chất thù hận nhằm vào người châu Á kể từ đầu năm tới nay.
Theo Liên đoàn Chống phỉ báng, 17% người Mỹ gốc Á được thăm dò ý kiến cho biết trong năm qua, họ từng bị quấy rối tình dục, rình rập, đe dọa thể xác, quấy rối liên tục hoặc bị tung thông tin cá nhân lên mạng mà không có sự đồng ý của họ - tăng 6% so với năm ngoái.
Trước tình trạng bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á gia tăng, cùng ngày, một nhóm quan chức lưỡng đảng gồm 26 thống đốc bang đã ra tuyên bố chung lên án bạo lực gia tăng đối với cộng đồng người Mỹ gốc Á, đồng thời cam kết sẽ có nhiều hành động hơn nữa để bảo vệ, nâng cao và hỗ trợ cộng đồng này.
Trước đó, Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris cũng đã có cuộc gặp với giới lãnh đạo và các nhà lập pháp bang từ cộng đồng người Mỹ gốc Á và gốc đảo Thái Bình Dương (AAPI).
Tổng thống Biden khẳng định tình trạng bạo lực trên phải chấm dứt, đồng thời kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ thông qua dự luật chống thù hận liên quan tới đại dịch COVID-19./.
Theo Đặng Huyền (TTXVN/Vietnam+)