Ngày 26/6, một quan chức Nhà Trắng cho biết Đức và Mỹ duy trì quan điểm rằng cuộc xung đột ở Ukraine cần được giải quyết bằng biện pháp ngoại giao.
Phát biểu họp báo sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), quan chức Nhà Trắng cho rằng Washington và Berlin có chung cách tiếp cận bao trùm về một giải pháp ngoại giao.
Cùng ngày, Tổng thống Biden xác nhận Nhóm G7 có kế hoạch cấm nhập khẩu vàng của Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva ở Ukraine.
[Tổng thư ký NATO lo ngại xung đột Ukraine có thể kéo dài nhiều năm]
Trước đó, truyền thông Anh dẫn thông tin từ Chính phủ Anh xác nhận nước này, Mỹ, Canada và Nhật Bản sẽ cấm nhập khẩu vàng mới khai thác của Nga. Biện pháp trừng phạt này sẽ không ảnh hưởng tới số vàng mà Nga đã xuất khẩu trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực.
Trong năm 2021, xuất khẩu vàng, một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, đạt 15,5 tỷ USD. Tầm quan trọng của ngành này tăng lên từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, trong bối cảnh giới tài phiệt Nga đổ xô mua vàng để tránh tác động của lệnh trừng phạt.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 26/6 tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng xem xét khả năng áp đặt lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga, với điều kiện biện pháp này không phản tác dụng.
Phát biểu họp báo tại Hội nghị thượng đỉnh G7, ông Michel nêu rõ: “Về vấn đề vàng, chúng tôi sẵn sàng xem xét chi tiết và cân nhắc khả năng áp đặt lệnh cấm nhập khẩu vàng theo cách có thể tác động đến nền kinh tế Nga, mà không gây ảnh hưởng tới chúng tôi”./.
Phan An (TTXVN/Vietnam+)