Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6h ngày 14/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 1.920.258 trường hợp, trong đó số ca tử vong là 119.413 người.
Trong vòng 24 giờ qua, đã có thêm 5.217 người thiệt mạng vì COVID-19 và 69.206 người nhiễm.
Đến nay, đại dịch COVID-19 đã tấn công 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 443.192 bệnh nhân COVID được điều trị khỏi bệnh, trong khi vẫn còn tới 51.719 người đang trong tình trạng nguy kịch trên tổng số 1.356.275 bệnh nhân được điều trị.
Hiện Mỹ là quốc gia có nhiều người mắc bệnh và tử vong vì COVID-19 nhất thế giới. New York tiếp tục là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 10.000 ca tử vong. Tuy nhiên, Thống đốc Andrew Cuomo ngày 13/4 nói rằng, ông tin thời kỳ "tồi tệ nhất" của dịch COVID-19 đã qua và ông đang cân nhắc kế hoạch dần dần mở cửa kinh tế trở lại.
Tới 6h sáng 14/4 (theo giờ Việt Nam), nước Mỹ ghi nhận thêm 23.570 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca lên 583.870 và thêm 1.579 người tử vong trong vòng 24h, trong tổng số 23.485 ca tử vong.
Giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ, ông Robert Redfield cho biết dịch COVID-19 tại Mỹ có thể đạt đến đỉnh điểm trong tuần này.
Trả lời phỏng vấn đài NBC, ông Redfield cho biết: "Chúng ta đang gần đến đỉnh dịch, đó là khi ngày hôm sau có ít ca nhiễm hơn ngày hôm trước".
Trong khi đó, mô hình dịch của Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe thuộc Đại học Washington dự đoán ngày 13/4 (theo giờ Mỹ) sẽ là ngày đỉnh điểm số ca tử vong tại Mỹ, với khoảng 2.150 ca tử vong do COVID-19. Ngoài ra, mô hình dự báo có tổng cộng 68.841 người sẽ thiệt mạng tại Mỹ tới tháng 8, trong khi nước Mỹ đã đạt "đỉnh điểm về sử dụng nguồn lực" từ ngày 10/4.
Ủy viên Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ Stephen Hahn cuối tuần qua cho rằng Mỹ đang "rất gần đỉnh dịch". Ông Hahn nói: "Các mô hình phân tích cho thấy chúng ta đang ở rất gần đỉnh dịch... Đây là một đại dịch diễn biến rất nhanh vì vậy chúng ta phải có biện pháp ứng phó theo từng ngày". Cho rằng đã thấy "ánh sáng cuối đường hầm", song ông Hahn không dự báo cụ thể thời gian Mỹ có thể mở cửa kinh tế trở lại và khi nào có thể nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội.
Trước đó, CNN dẫn một mô hình phân tích cho rằng, dịch COVID-19 có thể đã lập đỉnh cuối tuần trước tại Mỹ và số người chết có thể tăng chậm lại và xuống dưới mức 1.000 người chết/ngày vào đầu tháng 5.
9 bang liên minh lên kế hoạch mở cửa kinh tế trở lại
Reuters cho biết, hiện ít nhất 9 bang ở vùng duyên hải phía Đông và phía Tây của Mỹ ngày 13/4 tuyên bố sẽ bắt đầu liên minh, lên kế hoạch cho việc mở cửa dần dần trở lại nền kinh tế địa phương và nới lỏng các quy định về cách ly xã hội.
Thống đốc Andrew Cuomo cho hay, New York, New Jersey và Connecticut sẽ phối hợp với Delaware, Pennsylvania và Đảo Rhode dần dần mở cửa kinh tế trở lại. Thống đốc California, Oregon và Washington cũng cho biết họ đã đạt được thỏa thuận về một phương thức chung nhằm nối lại hoạt động cho các doanh nghiệp, mặc dù chưa đưa ra thời gian cụ thể.
“Không ai có thể giải đáp được tất cả câu hỏi. Giải quyết vấn đề sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế: Cái nào ưu tiên trước? Cả hai”.
Trong khi các bang rục rịch liên minh thảo luận kế hoạch mở cửa kinh tế trở lại, Tổng thống Donald Trump hôm qua tuyên bố ông mới là người quyết định chứ không phải các thống đốc bang.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump viết: "Đó là quyết định của Tổng thống và vì nhiều lý do tốt đẹp. Về điều đang được đề cập đến, chính quyền và tôi đang hợp tác chặt chẽ với các thống đốc và việc này sẽ tiếp diễn. Một quyết định do tôi đưa ra, cùng với các Thống đốc và sự tham gia của những người khác, sẽ nhanh chóng được thực hiện!".
Trong phát biểu cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi bày tỏ thận trọng khi nói rằng Mỹ vẫn chưa sẵn sàng để kết thúc phong tỏa. Bà thừa nhận rằng "tất cả chúng ta đều muốn chấm dứt các lệnh phong tỏa để người dân Mỹ trở lại làm việc và sống bình thường", tuy nhiên bà nhấn mạnh "vẫn chưa đủ các xét nghiệm để cho phép điều này diễn ra". Tuần này, Quốc hội Mỹ sẽ phối hợp để đưa ra các biện pháp mới nhằm giảm nhẹ tác động của dịch.
An Bình