Phát biểu tại trung tâm cố vấn Stimson tại Washington, ngày 2/12, ông Ford đã đề cập tới việc tìm kiếm một cơ chế kiểm soát vũ khí ba bên trong hài dạn với Nga và Trung Quốc.
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, tìm kiếm các cách thức để kiểm soát vũ khí cũng như đưa ra câu trả lời ba bên cho thách thức về kiểm soát vũ khí cũng là vấn đề mà Tổng thống D.Trump đã nhiều lần nhắc tới như là một mục tiêu căn bản. Theo quan điểm của ông Ford thì hiện các bên đang thực sự cần tới một câu trả lời trong dài hạn cho các thách thức này, bởi ngay cả nếu như được gia hạn thì START mới cũng chỉ có hiệu lực trong vòng 5 năm tiếp theo. Trong khi đó, Nga đang phát triển các loại vũ khí nằm ngoài phạm vi mà START mới đề cập tới còn Trung Quốc cũng đang trong tiến trình gia tăng ít nhất là gấp đôi quy mô của kho vũ khí hạt nhân trong vòng 10 năm tới.
Chính vì thế, theo ông Ford thì hiện việc tìm kiếm cách thức để giải quyết các mối thách thức mà Nga và Trung Quốc đang đặt ra trong phạm vi một cơ chế kiểm soát vũ khí đang thực sự trở nên cấp bách. Ông Ford cho rằng, hiện cả Nga, Mỹ và Trung Quốc vẫn còn thời gian để theo đuổi nỗ lực này, ngay cả khi chỉ còn khoảng hơn 1 năm nữa là START mới sẽ hết hiệu lực.
“Tôi cho rằng vẫn còn nhiều thời gian để hợp tác với họ (Nga và Trung Quốc) và cùng hướng tới mục tiêu thúc đẩy một cơ chế ba bên. Và chúng tôi cũng đang trông đợi được thực hiện công việc này” – ông Ford nói.
Lập trường của Mỹ, Nga và Trung Quốc xoay quanh START mới
Hiệp ước START mới được ký kết giữa Nga và Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/2/2011. START mới quy định, 7 năm sau khi hiệp ước có hiệu lực, mỗi bên tham gia không được triển khai quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom chiến lược, không quá 1.550 đầu đạn trên các ICBM, SLBM và máy bay ném bom chiến lược đã được triển khai, cũng không quá 800 bệ phóng ICBM, SLBM và các thiết bị máy bay ném bom chiến lược. START mới cũng quy định các bên có nghĩa vụ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và các thiết bị vận chuyển đầu đạn theo định kỳ 2 năm/lần.
START mới sẽ có duy trì hiệu lực trong 10 năm, tới ngày 5/2/2021, trừ khi được thay thế bằng một thỏa thuận khác. Nếu được hai bên nhất trí, START mới có thể được gia hạn trong một khoảng thời gian không quá 5 năm - tới năm 2026.
Hiện, Nga đang kêu gọi Mỹ tỏ ra không chậm trễ trong việc giải quyết những khúc mắc xoay quanh việc gia hạn START mới – vốn được coi là “một chuẩn mực vàng” về giải trừ vũ khí. Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS hồi tháng trước, Tổng thống D.Trump đã bày tỏ mong muốn nhằm thông qua một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới với Nga, Trung Quốc và thậm chí là gồm cả sự tham gia của một số nước khác. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng đã không trả lời câu hỏi về việc liệu Mỹ có muốn gia hạn START mới hay không.
Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin cũng nhấn mạnh trên tờ The Financial Times rằng, nếu như Hiệp ước START mới bị khai tử thì thế giới sẽ không còn trong tay bất cứ công cụ nào khác để kìm hãm chạy đua vũ trang.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã bày tỏ lập trường rõ ràng về việc nước này sẽ không tham gia START mới hoặc cắt giảm số vũ khí hạt nhân đang sở hữu, trừ khi Nga và Mỹ cắt giảm sâu hơn nữa vũ khí hạt nhân của các nước này, ước tính khoảng 6.500 vũ khí hạt nhân mỗi nước.
Khi mà cả Nga, Mỹ và Trung Quốc đều đưa ra những lập trường riêng còn việc tìm được điểm tương đồng cũng trở nên không mấy dễ dàng, thì một phương thức tiếp cận “thực tế” đang được tính đến. Đó là Nga và Mỹ nhất trí đàm phán về một Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới với giới hạn thấp hơn 1/3 so với quy định của START mới hoặc thậm chí là hơn thế nữa, nếu như Trung Quốc đồng ý không tăng lượng vũ khí hạt nhân sở hữu và áp dụng các biện pháp kiểm soát minh bạch.
Tuy nhiên, việc đưa ra bất kỳ một giải pháp nào cho vấn đề này cũng cần tới thời gian, trong khi thời hạn hiệu lực của START mới không còn dài. Chính vì thế, điều quan trọng hiện nay là các bên cần tỏ rõ thiện chí và tìm ra tiếng nói chung. Sự vắng bóng của START mới trong tương lai cũng đồng nghĩa với việc nguy cơ bùng phát các cuộc chạy đua vũ trang và xung đột sẽ càng trở nên hiện hữu bởi sự chia rẽ và cạnh tranh giữa các cường quốc, ngay cả khi chiến tranh Lạnh đã lùi xa từ 30 năm trước./.
Thu Lan (Theo TASS, NHK, armscontrol.org)