Mỹ: Đảng Cộng hòa đề xuất tăng trần nợ công thêm 1.500 tỷ USD 

Chủ tịch Hạ viện Mỹ đã đề xuất trước Quốc hội dự luật cho phép nâng trần nợ công quốc gia thêm 1.500 tỷ USD, vấn đề vốn đang gây tranh cãi giữa hai đảng trong Quốc hội Mỹ.
Mỹ: Đảng Cộng hòa đề xuất tăng trần nợ công thêm 1.500 tỷ USD

Chủ tịch Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa chiếm đa số, ông Kevin McCarthy ngày 19/4 đã đề xuất trước Quốc hội dự luật cho phép nâng trần nợ công quốc gia thêm 1.500 tỷ USD, vấn đề vốn đang gây tranh cãi giữa hai đảng trong Quốc hội Mỹ.

Dự luật này bao gồm phần lớn nội dung một đề xuất mà ông McCarthy đã đưa ra hồi đầu tuần này, trong đó có việc cắt giảm ngân sách liên bang về mức của năm 2022 và giới hạn tăng trưởng chi tiêu ở mức 1% mỗi năm, để đổi lấy việc tăng trần nợ công, hiện ở mức 31.400 tỷ USD.

Ông McCarthy nhấn mạnh kế hoạch này sẽ hạn chế chi tiêu của chính phủ, tiết kiệm tiền thuế của người dân và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

[Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhận định Mỹ sẽ không vỡ nợ]

Theo một số nguồn tin, mức tăng 1.500 tỷ USD trần nợ công sẽ bao gồm khoản chi ngân sách cần thiết cho Chính phủ Mỹ tính đến đầu năm tới, đẩy các tranh cãi về trần nợ công về những tháng cuối năm 2024, thời điểm diễn ra chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.

Cũng trong cuộc họp của Hạ viện ngày 19/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tuyên bố sẽ đề xuất “kế hoạch ngân sách có trách nhiệm nhất” để bảo vệ nền kinh tế số một thế giới.

Tổng thống Biden nhấn mạnh cần tách bạch vấn đề nợ công và chi tiêu trong các cuộc thương lượng giữa 2 đảng và cũng không nên lấy kinh tế làm "con tin" thông qua yêu cầu cắt giảm ngân sách mang động cơ chính trị để đổi lấy việc nới rộng trần nợ.

Nâng mức trần nợ công là vấn đề gây tranh cãi hằng năm giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ nhằm ngăn chặn nguy cơ chính phủ cạn kiệt tiền và phải dừng hoạt động.

Tháng Một vừa qua, nợ công của Mỹ đã chạm mức trần 31.400 tỷ USD, khiến Bộ Tài chính phải thực hiện "các biện pháp đặc biệt" nhằm đảm bảo chính quyền liên bang có thể duy trì việc chi trả các hoạt động của chính phủ.

Nếu trần nợ không được nâng hoặc đình chỉ tạm thời trước khi các biện pháp hiện tại hết hiệu lực, Chính phủ Mỹ sẽ không thể thực hiện các nghĩa vụ tài chính sớm nhất vào tháng Bảy, đồng nghĩa với đối mặt khả năng vỡ nợ.

Giới quan sát nhận định kể cả khi được Hạ viện thông qua, đề xuất của ông McCarthy khó lòng nhận được sự ủng hộ từ Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 17/4, phát biểu trên một chương trình truyền hình của đài CBS, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho rằng Mỹ sẽ không vỡ nợ.

Bà Lagarde cho biết Mỹ là đóng vai trò lớn trong việc dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nước này sẽ không để một thảm họa lớn như vỡ nợ xảy ra.

Nhưng theo bà, nếu kịch bản này thực sự diễn ra, nó sẽ tác động rất tiêu cực đến Mỹ và thế giới.

Trước đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng Quốc hội cần nâng trần nợ, nếu không những hậu quả sẽ rất nghiêm trọng và lâu dài.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội cũng cho biết Bộ Tài chính Mỹ sẽ không còn khả năng thanh toán tất cả các hóa đơn vào khoảng giữa tháng Bảy và tháng Chín, trừ phi trần nợ ở mức 31.400 tỷ USD hiện nay được nâng lên hoặc ngừng áp dụng./.

Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)

 

88 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 983
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 983
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87185836