Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, các cuộc thử nghiệm đã được lên kế hoạch từ lâu này là một phần trong chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo của quân đội Mỹ, nhằm tự vệ trước các mối đe dọa từ Triều Tiên và Iran. Tuy nhiên, ít nhất là trong bối cảnh hiện nay thì chương trình này đang hướng tới mục tiêu nhằm bảo đảm khả năng phòng thủ của Mỹ trước các mối đe dọa đến từ Triều Tiên.
Một phần của chương trình thử nghiệm này sẽ bao gồm các vụ phóng thử nghiệm tên lửa Standard Missile đã được cải tiến từ một con tàu hải quân. Các cuộc thử nghiệm được thực hiện tại vùng biển Thái Bình Dương bởi đây là khu vực có thể bảo đảm tầm bắn rộng của tên lửa để từ đó, có thể đưa ra các điều chỉnh phù hợp.
Tên lửa Standard Missile trước đó chỉ được thử nghiệm một lần, trong khi phiên bản mới được trang bị động cơ đẩy và đầu đạn được cải tiến. Điều này đồng nghĩa với việc thiết bị tên lửa này có thể đạt được một tầm bắn xa hơn, được cho là vượt xa cả khu vực bờ biển của Triều Tiên và có cơ hội lớn hơn để tấn công các tên lửa đe dọa sắp bay đến.
Chương trình thử nghiệm này đã được Mỹ phát triển cùng Nhật Bản và nhằm mục tiêu bắn hạ các tên lửa tầm trung của Triều Tiên, vốn được cho là sẽ tạo ra mối đe dọa đối với các nước đồng minh của Mỹ.
Trong khi đó, một cuộc thử nghiệm riêng rẽ khác cũng sẽ được Mỹ thực hiện vào cuối tháng 5/2017 tại khu vực Thái Bình Dương, nhằm kiểm tra khả năng của nước này trong việc bắn hạ các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên có thể đe dọa tới lãnh thổ Mỹ. Cuộc thử nghiệm thứ 2 này sẽ được huy động các tên lửa đánh chặn tầm xa dưới mặt đất đang được triển khai tại Alaska và California.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ thì chương trình thử nghiệm này đã tồn tại được hàng thập kỷ, song mới chỉ được thử nghiệm thành công một nửa.
Tuyên bố trên được Lầu Năm góc đưa ra vào thời điểm căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ đang leo thang sau khi chính quyền Bình Nhưỡng tỏ rõ quyết tâm theo đuổi chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo vốn bị Washington xem là các hành vi “gây hấn”.
Theo đánh giá của một số chuyên gia quân sự, thì việc bắn hạ tên lửa của Triều Tiên sẽ không chỉ làm suy yếu năng lực của nước này trong việc phát triển các tên lửa tầm xa có thể vươn tới Mỹ, mà còn giúp phát đi một thông điệp rõ ràng rằng, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không “khoanh tay đứng nhìn” các mối đe dọa từ Triều Tiên.
Theo tờ The Guardian (Người bảo vệ) thì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã trình bày vắn tắt trước Quốc hội về khả năng bắn hạ tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, cho tới nay thì Lầu Năm góc vẫn chưa quyết định về việc liệu có tiếp tục triển khai theo phương án này hay không.
Một số chuyên gia cảnh báo, việc Mỹ bắn hạ tên lửa của Triều Tiên sẽ có nguy cơ làm bùng phát những rủi ro tiềm năng, và thậm chí là đẩy tình hình vượt tầm kiểm soát của Lầu Năm góc, cũng như tác động tới các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ông Abraham Denmark – một cố vấn cấp cao về chính sách châu Á dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá, hành động Mỹ bắn hạ tên lửa của Triều Tiên sẽ làm leo thang căng thẳng. “Tôi không thể đoán trước được về phản ứng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un… Song tôi lo ngại rằng kịch bản này sẽ khiến ông Kim Jong-un nhận ra sự cần thiết của các phản ứng mạnh mẽ, bởi nhà lãnh đạo này không muốn tỏ ra yếu đuối” – ông Denmark nói.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác lại cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng nếu như Mỹ thất bại trong việc bắn hạ tên lửa của Triều Tiên với lập luận rằng, điều này sẽ “càng khuyến khích” nhà lãnh đạo Kim Jong-un theo đuổi chương trình phát triển tên lửa.
Trên thực tế, các chính quyền tiền nhiệm của Mỹ cũng đã từng cân nhắc tới phương án bắn hạ tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, ý tưởng này chưa từng được thực hiện, chủ yếu do những quan ngại về hậu quả leo thang căng thẳng quân sự với Bình Nhưỡng./.
Thu Lan (Theo CNN, UPI)