Thông báo trên cũng đồng nghĩa với việc, nếu Mỹ và Hàn Quốc không thể đạt thỏa thuận về chia sẻ chi phí đồn trú 28.500 lính Mỹ trên trên bán đảo Triều Tiên, thì sẽ có khoảng gần 9.000 lao động Hàn Quốc phải đối mặt với nguy cơ “nghỉ việc”.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Lầu Năm góc, ngày 19/2, Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Hải quân William Byrne Jr hy vọng các cuộc đàm phán sẽ đưa ra một cách thức khả thi để tiếp tục duy trì việc làm cho các nhân viên Hàn Quốc bởi 9.000 lao động cũng là con số khá lớn. Theo ông Byrne thì hiện đang có một loạt các phương án được tính đến, từ quy mô cắt giảm ở mức lớn, vừa phải và nhỏ. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, thì có thể cần tính tới việc xem xét công việc của các công nhân này theo thứ tự ưu tiên, bao gồm các lĩnh vực liên quan tới đời sống, sức khỏe và sự an toàn.
Trong thời gian trở lại đây, Washington đã nhiều lần yêu cầu Seoul tăng đáng kể các khoản đóng góp tài chính để duy trì sự hiện diện của các binh sỹ Mỹ tại Hàn Quốc. Theo Thỏa thuận về các biện pháp đặc biệt (SMA) về chia sẻ chi phí quân sự của hai đồng minh đã kết thúc vào cuối năm ngoái, Seoul đã nhất trí với khoản đóng góp 870 triệu USD, tăng 8,2 so với năm 2018.
Cho tới nay, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành 6 vòng đàm phán để gia hạn SMA song vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt, thậm chí hai bên còn chưa thể lên lịch trình cho vòng đàm phán tiếp theo. Theo quan điểm của ông Byrne thì sự chậm trễ này chắc chắn sẽ tác động đến các quân nhân và gia đình của họ. “Điều quan trọng nhất là chúng tôi phải tập trung vào sứ mệnh của mình, đó là sự phòng thủ phối hợp với Hàn Quốc”. – đại diện Lầu Năm góc cho biết.
Trong cuộc họp báo cùng ngày, một phát ngôn viên khác của Lầu Năm góc – ông Jonathan Hoffman nhấn mạnh chủ đề về chia sẻ chi phí quân sự sẽ được đề cập trong cuộc gặp gỡ dự kiến diễn ra tại Washington vào tuần tới, giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo và người đồng cấp Mỹ Mark Esper.
“Mục đích chính của cuộc gặp gỡ này là nhằm tiếp tục duy trì mối quan hệ mà chúng tôi đang có, để tiếp tục xây dựng khả năng phối hợp chiến đấu bảo vệ bán đảo Triều Tiên” – ông Hoffman nói, đồng thời tin tưởng rằng các quân nhân Mỹ sẽ thích ứng với bất cứ sự thay đổi nào.
Đầu tuần này, Chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) – Tướng Robert Abrams cũng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ sẽ có nhiều lao động phải nghỉ việc, trong bối cảnh các vòng đàm phán về chia sẻ chi phí quốc phòng giữa hai đồng minh đang lâm vào đình trệ.
Kể từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ tài chính duy trì sự hiện diện của USFK tại Hàn Quốc theo SMA, trong đó bao gồm các chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự và một số hoạt động hỗ trợ khác. Nguyên nhân của sự bất đồng được cho là xuất phát từ quan điểm của Washington cho rằng, tỷ lệ chi phí quân sự nên tăng mạnh bằng cách thiết lập một điều khoản mới (trong thỏa thuận chia sẻ chi phí), trong khi Seoul giữ nguyên quan điểm mức tăng phải nằm trong phạm vi có thể chấp nhận được trong khuôn khổ SMA mà Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí trong 28 năm qua./.
Thu Lan (Theo Yonhap, KBS)