Trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra tại Nhật Bản vào tháng trước, Tổng thống D.Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhất trí nối lại các vòng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Dựa trên sự nhất trí chung của hai nhà lãnh đạo, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã điện đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trương Quân nhằm “đặt nền móng” nối lại các cuộc đàm phán và giải quyết các bất đồng thương mại lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời khẳng định hai bên sẽ tiếp tục đàm phán khi thích hợp.


Từ trái qua phải: Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tham gia đàm phán cấp cao tại Bắc Kinh (Trung Quốc), tháng 2/2019. (Ảnh: Xinhua)

Nội dung chi tiết của cuộc điện đàm này không được tiết lộ. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết, trong cuộc điện đàm này, các đại diện của Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí sẽ tiếp tục duy trì đà đàm phán để có thể hạ nhiệt mối quan hệ căng thẳng về thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Phát biểu trước báo giới, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết, cuộc điện đàm giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra trong bầu không khí “xây dựng” và đã đề cập việc tiến hành một cuộc gặp gỡ trực tiếp.

Tuy nhiên, ông Kudlow cũng cho rằng, việc đạt được một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn là điều “khó nắm bắt” và cũng không hề tồn tại một “phép màu nào” cho vấn đề này. Ông tin tưởng việc Mỹ nới lỏng các lệnh cấm vận nhằm vào Huawei sẽ hỗ trợ các hoạt động của tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, song cũng cảnh báo rằng các biện pháp này chỉ được thực hiện trong một khoảng thời gian “có giới hạn”.

Theo nhận định của ông Kudlow thì cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa các ê-kip đàm phán của Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn chưa có thông tin chi tiết nào liên quan tới sự kiện này được đưa ra.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng ra tuyên bố ngắn gọn về cuộc điện đàm giữa giới chức Mỹ và Trung Quốc nhằm trao đổi quan điểm về việc thực thi những thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được trong cuộc gặp gỡ ở Nhật Bản vào tháng trước, song không tiết lộ chi tiết cụ thể.

Kể từ sau khi Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Nhật Bản vào tháng trước, Mỹ đã đề cập tới việc sẽ “bật đèn xanh” cho phép các công ty của nước này bán các sản phẩm bán dẫn “công nghệ thấp” cho tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc vì cho rằng các thiết bị này sẽ không thể gây ra “mối đe dọa cho an ninh quốc gia Mỹ”. Trong khi đó, Trung Quốc cũng tỏ ý sẵn sàng nhập khẩu thêm các mặt hàng nông sản từ Mỹ.

Tuy nhiên, giới phân tích không đặt nhiều kỳ vọng vào những tiến triển của các vòng đối thoại thương mại tương lai giữa Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh chưa bên nào thay đổi lập trường theo hướng mềm mỏng còn những bất đồng vẫn chưa được thu hẹp. Thậm chí cách đây ít lâu, Tổng thống Mỹ D.Trump còn lặp lại lời cáo buộc Trung Quốc đã có động thái định giá thấp đồng nội tệ. Hiện Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ duy trì một số biện pháp áp thuế bổ sung nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc lại bày tỏ quan điểm cứng rắn và hối thúc Mỹ cần “ngay lập tức” gỡ bỏ các biện pháp gây sức ép về thương mại nhằm vào nước này./.

Thu Lan (Theo NHK, DW, Theepochtimes)