Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng cũng đã tỏ ra “hoài nghi” về ý nghĩa của từ “vĩnh viễn” tại nơi nhiều biến động như ở Trung Đông. Ông D.Trump cảnh báo nếu Thổ Nhĩ Kỳ không giữ lời, Mỹ sẽ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này.
Lời cảnh báo trên của người đứng đầu Nhà Trắng không phải là không có cơ sở khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, ngày 23/10 đã tuyên bố nước này ngừng chiến dịch quân sự ở miền Đông Bắc Syria, song nếu như quân đội Thổ Nhĩ Kỳ còn phải đối mặt với bất kỳ một mối đe dọa khủng bố nào hoặc việc rút lực lượng không được thực hiện đầy đủ thì sẽ buộc phải hành động để “vô hiệu hóa” các đối tượng này.
Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, người đứng đầu Nhà Trắng cho biết, Mỹ và lực lượng đồng minh người Kurd đã chính thức chuyển giao quyền kiểm soát khu vực miền Bắc Syria cho phía Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Thông báo trên của ông D.Trump cũng được cho là “ngầm” phát đi thông điệp bảo vệ quyết định rút lực lượng Mỹ khỏi khu vực này và dẫn tới làn sóng chỉ trích rằng, hành động của Mỹ đã “bật đèn xanh” cho chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo quan điểm của Tổng thống D.Trump thì những diễn biến mới nhất tại Syria đã khiến các chiến binh người Kurd – vốn đã từng cảm thấy “bị phản bội” sau quyết định rút quân của Mỹ được thỏa mãn. Tổng thống D.Trump cho biết, ông đã đối thoại với Tổng chỉ huy Các lực lượng dân chủ Syria do người Kurd dẫn đầu (SDF) và nhận được “lời cảm ơn vô cùng cảm kích”.
Tổng thống D.Trump cho rằng, việc rút quân khỏi Syria cũng là một phần cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông về rút các lực lượng Mỹ khỏi các cuộc xung đột ở Trung Đông.
“Quân đội của chúng ta không có nhiệm vụ làm cảnh sát của thế giới…Các dân tộc khác phải đứng lên và gách vác trọng trách bình đẳng. Sự đột phá ngày hôm nay chính là một bước đi quan trọng tới phương hướng đó…Tôi cam kết theo đuổi một lối đi khác, có thể mang lại thắng lợi cho nước Mỹ” – ông D.Trump nói.
Trong một diễn biến đáng chú ý, chỉ ít lâu sau tuyên bố rút quân khỏi Syria, ông D.Trump đã công bố kế hoạch điều động hơn 700 quân tới miền Tây Iraq. Quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng xem ra đã không được giới chức Iraq đón nhận cùng với việc Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi tuyên bố lực lượng Mỹ không được phép đồn trú lâu dài, còn Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Najah al-Shammari đã phát biểu trên tờ AP rằng, lực lượng quân đội Mỹ sẽ rời khỏi quốc gia Trung Đông này trong vòng 4 tuần.
Ngày 14/10, Mỹ đã tăng thuế nhập khẩu với thép của Thổ Nhĩ Kỳ lên tới 50%, ngừng đàm phán thỏa thuận thương mại trị giá 100 tỷ USD với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đưa 3 quan chức cấp cao gồm: Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ cùng các cơ quan dưới quyền vào danh sách trừng phạt, chịu lệnh đóng băng tài sản ở Mỹ và cấm mọi giao dịch với họ.
Các biện pháp gây sức ép trên được Tổng thống D.Trump đưa ra vào thời điểm ông phải hứng chịu “sự chỉ trích mạnh mẽ” từ các thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa trước quyết định rút quân và dẫn tới hậu quả là Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch tấn công quân sự “Mùa xuân Hòa bình” ở Syria.
Những người phản đối ông D.Trump cho rằng, nhà lãnh đạo này đã từ bỏ tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực và phát tín hiệu tới các đồng minh trong tương lai rằng “Mỹ không còn là một đối tác đáng tin cậy”. Thậm chí Thượng nghị sỹ Macro Rubio của đảng Cộng hòa còn chỉ ra rằng, quyết định của ông D.Trump đã làm lu mờ 3 mục tiêu ban đầu mà Mỹ vạch ra ở Syria, đó là chặn đứng sự trỗi dậy của IS, tăng cường tầm ảnh hưởng của Mỹ trước giải pháp chính trị ở Syria và thúc đẩy việc rút toàn bộ các lực lượng của Iran khỏi Syria.
Theo số liệu thống kê, chiến dịch quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ phát động tại miền Bắc Syria trong những ngày qua đã khiến hơn 176.000 người phải rời bỏ nhà cửa và hàng trăm tù nhân thuộc lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trốn thoát.
Tuy nhiên, phát biểu tại Nhà Trắng, ngày 23/10, Tổng thống D.Trump đã bác bỏ những lo ngại trên với thông tin mang tính trấn an rằng, chỉ có 1 số nhỏ tù nhân IS trốn thoát và đa phần trong số này đã bị bắt giữ trở lại./.
Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)