Người đứng đầu Nhà Trắng nói: "Chúng ta có một mối quan hệ rất tốt với Thổ Nhĩ Kỳ, song giờ chúng ta phải nói với Thổ Nhĩ Kỳ rằng, vì họ đã thực sự bị đẩy vào một tình huống phải mua một hệ thống tên lửa khác, nên chúng ta sẽ không bán cho họ máy bay chiến đấu F-35... Đó là một tình huống khó khăn mà họ gặp phải và cũng là tình huống rất khó khăn mà chúng tôi gặp phải...".

Trong lời phát biểu cùng ngày, ông D.Trump đã đổ lỗi cho người tiền nhiệm Barack Obama từ chối bán hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ và dẫn tới việc Ankara phải đưa ra sự lựa chọn thay thế là quay sang mua hệ thống S-400 của Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã không đề cập tới những lệnh trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, ngày 16/7, ứng cử viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ do Nhà Trắng đề xuất – ông Mark Esper cũng chỉ trích việc Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mua S-400 là hành động “gây thất vọng”. Ông Esper ca ngợi Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên lâu đời và có năng lực của NATO, tuy nhiên, việc nước này quyết định mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga là điều “sai lầm”.

Ông Esper khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ phải lựa chọn giữa S-400 và máy bay chiến đấu F-35 chứ không thể sở hữu cả hai.

Thông điệp trên được các nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan xác nhận Ankara đã nhận được gói thiết bị S-400 đầu tiên do Nga bàn giao. Ông Erdogan tuyên bố, tất cả các hệ thống S-400 sẽ được triển khai đầy đủ tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 4/2020, đồng thời tiết lộ thêm rằng Ankara đang tìm kiếm cơ hội được cùng hợp tác với Moscow sản xuất các hệ thống phòng thủ tên lửa này.

Hiện Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang theo đuổi các mục tiêu nhằm tăng cường năng lực phòng không của nước này, nhất là sau khi Mỹ quyết định rút tên lửa đất đối không Patriot khỏi lãnh thổ quốc gia thành viên NATO này vào năm 2015

S-400 là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và xa tối tân của Nga, được chế tạo nhằm phát hiện, lần theo và tiêu diệt các máy bay, máy bay không người lái và tên lửa ở khoảng cách 400 km. Tháng 12/2017, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã ký kết bản thỏa thuận mua bán S-400, bất chấp lời cảnh báo của Mỹ rằng S-400 không tương thích với hệ thống phòng không của NATO và máy bay F-35 do tập đoàn Lockheed Martin Corp sản xuất. Trước Thổ Nhĩ Kỳ, Nga mới chỉ bán S-400 cho hai bạn hàng là Trung Quốc và Ấn Độ.

Cho tới nay, Mỹ đã ngừng chương trình đào tạo phi công Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng F-35 tại Mỹ. Trước sức ép của một số thành viên Quốc hội Mỹ, có khả năng trong những ngày tới, chính quyền Tổng thống D.Trump sẽ tiếp tục gia tăng sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên Đạo luật trừng phạt chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua lệnh trừng phạt (CAATSA) 2017. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, kịch bản này sẽ không trở thành sự thật bởi ông D.Trump đang lưu tâm nhiều hơn tới việc tạo thêm công ăn việc làm thông qua các hoạt động xuất khẩu vũ khí để giành được sự ủng hộ của các cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào năm tới./.

Thu Lan (Theo PressTV, NHK)