Lệnh tạm hoãn trên sẽ có hiệu lực tới ngày 19/8/2019, đồng nghĩa với việc tập đoàn Huawei sẽ có thêm khoảng 90 ngày nữa để mua các hàng hóa do Mỹ sản xuất nhằm duy trì các mạng hiện có và cung cấp cập nhật phần mềm cho các thiết bị cầm tay Huawei hiện có.
Chính phủ Mỹ cho biết lý do các lệnh cấm vận thương mại trên được đưa ra là vì Huawei đã tham gia vào các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia hoặc trái với chính sách ngoại giao của Mỹ.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 20/5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho rằng, việc hoãn thực thi lệnh cấm vận sẽ tạo điều kiện để các nhà cung cấp viễn thông vốn lệ thuộc vào thiết bị của Huawei có thời gian để đưa ra những điều chỉnh. “Nói một cách ngắn gọn, thì động thái mới này sẽ cho phép duy trì hoạt động của những người đang dùng thiết bị điện thoại di động của Huawei và mạng băng thông rộng ở khu vực nông thôn” – ông Ross nói.
Hiện tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới Huawei đã từ chối đưa ra bình luận sau động thái mới nhất của Chính phủ Mỹ. Về phía Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ đánh giá tình hình để có thể đưa ra quyết định về việc có nên tiếp tục hoãn thời gian áp đặt lệnh cấm vận sau thời hạn 90 ngày trên hay không.
Ngày 15/5, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố quyết định đưa Huawei và 68 chi nhánh của tập đoàn này tại hơn 20 quốc gia trên thế giới vào “bản danh sách thực thể”. Theo đó, Huawei và 68 chi nhánh nêu trên sẽ bị cấm mua các thiết bị và linh kiện từ các công ty Mỹ nếu không có sự chấp thuận của Chính phủ Mỹ. Hiện Chính phủ Mỹ đang cáo buộc Huawei đã tìm cách để có được hàng hóa, công nghệ và dịch vụ bị cấm vận của Mỹ ở Iran và chuyển tiền khỏi nước này thông qua hệ thống ngân hàng quốc tế. Tuy nhiên, phía Huawei đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên của Mỹ.
Trong tuyên bố đưa ra hồi tuần trước, tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc đã chỉ trích những biện pháp cấm vận vô lý của Mỹ, đồng thời cho biết sẵn sàng hợp tác với Chính phủ Mỹ cũng như thực thi các biện pháp hiệu quả để bảo đảm về mặt an ninh của sản phẩm. Huawei cho rằng, việc hạn chế hoạt động kinh doanh của tập đoàn này tại Mỹ sẽ không khiến nước Mỹ trở nên an toàn hay mạnh mẽ hơn. Mà thay vào đó, sẽ khiến Mỹ phải đưa ra những sự lựa chọn thay thế tốn kém hơn, có nguy cơ tụt hậu về phát triển công nghệ 5G và cuối cùng là gây tổn hại đến lợi ích của các công ty và người tiêu dùng Mỹ. “Ngoài ra, những biện pháp hạn chế không hợp lý sẽ vi phạm quyền của Huawei và làm phát sinh các vấn đề pháp lý nghiêm trọng khác” – tuyên bố của Huawei viết.
Ngày 20/5, Tổ chức Sáng tạo và Công nghệ thông tin (ITIF) tại Mỹ đã công bố báo cáo cảnh báo về việc thắt chặt các hoạt động xuất khẩu công nghệ sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ thiệt hại 56,3 tỷ USD trong vòng 5 năm tới và đe dọa công ăn việc làm của khoảng 74.000 người.
Trong khi đó, căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng gây ra những hậu quả nặng nề đối với Trung Quốc khi doanh thu bán lẻ tại thị trường này đã có dấu hiệu “chậm lại” vào tháng trước, còn sản phẩm công nghiệp và các hoạt động đầu tư cũng được đánh giá đang ở “mức yếu”./.
Thu Lan (Theo Reuters/Nasdaq, Aljazeera, The New York Times)