Tuy nhiên, phát ngôn viên này cũng tuyên bố Mỹ vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán với Triều Tiên, ngay cả khi tiến trình này đang lâm vào đình trệ sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.

 

Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Tổng thống Mỹ D.Trump đã từng bày tỏ tin tưởng rằng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thực hiện cam kết về phi hạt nhân hóa, đồng thời để ngỏ cánh cửa đàm phán ngoại giao với Triều Tiên để đạt được những tiến bộ tiếp theo trong mục tiêu này. Bên cạnh đó, phát ngôn viên này cũng bày tỏ quan điểm rằng, các lệnh trừng phạt quốc tế đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra vẫn tiếp tục được duy trì và phải được tuân thủ bởi tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc.

 

Thông điệp trên được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra ngay sau khi tại một cuộc họp báo diễn ra cùng ngày ở trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), đại diện thường trực của Triều Tiên tại tổ chức này - ông Kim Song đã nhắc lại lời đề nghị Mỹ nhanh chóng trả tàu hàng Wise Honest mà nước này đã bắt giữ vào tuần trước với cáo buộc vi phạm các lệnh cấm vận của Mỹ và Liên hợp quốc. Đại diện ngoại giao Triều Tiên xem hành động trên của Mỹ là “phi pháp và vô nhân đạo”.

 

Ông Kim Song cảnh báo Triều Tiên sẽ theo sát mọi động thái của Mỹ, đồng thời lưu ý thêm rằng Washington cần suy nghĩ về những hậu quả của hành động bắt giữ này. Đại diện ngoại giao Triều Tiên chỉ trích việc Mỹ bắt giữ tàu Wise Honest là hành vi “phản bội” tinh thần của thỏa thuận đã được lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên ký kết trong khuôn khổ các cuộc gặp gỡ thượng đỉnh, đồng thời xem đây là một “kết quả” của chính sách thù địch mà Mỹ đang áp dụng đối với Triều Tiên.

 

Ngày 16/5, ông Kim Song đã đề nghị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres có “hành động khẩn cấp” liên quan đến việc Mỹ bắt giữ tàu của Triều Tiên. Thậm chí đại diện ngoại giao này còn lên tiếng cảnh báo về việc Triều Tiên sẵn sàng đưa ra các biện pháp đáp trả nếu Mỹ không trao trả tàu Wise Honest.

 

Tàu Wise Honest. (Ảnh: MarineTraffic.com/Sergei Skriabin)


Trước đó, ngày 9/5, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo đã bắt giữ một con tàu có tải trọng 17.061 tấn bị nghi ngờ vi phạm luật pháp Mỹ và các lệnh trừng phạt quốc tế. Đây cũng là lần đầu tiên các nhà chức trách Mỹ trực tiếp bắt giữ 1 tàu Triều Tiên. Tàu Wise Honest đã từng bị Indonesia bắt giữ vào tháng 4/2018, tuy nhiên sau đó con tàu này đã được chuyển cho lực lượng chức năng Mỹ trông giữ.

 

Hiện Mỹ đang cáo buộc tàu Wise Honest đã được sử dụng để vận chuyển than bất hợp pháp từ Triều Tiên ra bên ngoài và tiếp nhận vận chuyển máy móc hạng nặng về Triều Tiên, trong khi việc thanh toán cho các hoạt động bảo trì, lắp đặt trang thiết bị và cải tiến con tàu được thực hiện bằng đồng USD thông qua các ngân hàng Mỹ mà các ngân hàng này không hề hay biết.

 

Các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm Triều Tiên tiến hành các hoạt động vận chuyển than đá hay các hàng hóa khác. Năm 2016, Mỹ đã đưa ra một đạo luật trừng phạt cấm các thực thể hay các cá nhân Triều Tiên liên quan đến các hoạt động phổ biến vũ khí bất hợp pháp không được sử dụng hệ thống tài chính Mỹ.

 

Theo nhận định của một số nhà phân tích, những động thái mới nhất của Mỹ và Triều Tiên liên quan tới vụ bắt giữ tàu Wise Honest đã cho thấy hai nước đang có dấu hiệu “gây sức ép” nhằm vào bên còn lại, trong bối cảnh các vòng đàm phán hạt nhân đang lâm vào bế tắc./.

Thu Lan (Theo Yonhap, NHK)