Đây là nội dung được Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May đề cập tới trong cuộc họp báo chung ngày 4/6, với một quyết tâm mạnh mẽ để biến mục tiêu này thành sự thật.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau khi kết thúc cuộc hội đàm với Tổng thống D.Trump đang ở thăm Anh, ngày 4/6, Thủ tướng Theresa May cho biết, bà và Tổng thống D.Trump đã tiến hành các vòng thảo luận được đánh giá là “tích cực” về triển vọng đạt được một thỏa thuận thương mại tham vọng giữa hai nước sau khi Anh rời khỏi EU – hay còn gọi là Brexit.
Tổng thống Mỹ D.Trump (trái) và Thủ tướng Anh Theresa May
rời khỏi căn nhà số 10 phố Downing, ngày 4/6. (Ảnh: Xinhua)
Tổng thống D.Trump cũng chia sẻ quan điểm trên của bà May khi đặt niềm tin vào khả năng Anh và Mỹ sẽ tiến tới một thỏa thuận thương mại “rất, rất quan trọng” sau Brexit. Theo quan điểm của người đứng đầu Nhà Trắng, thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Anh – nếu được thông qua, sẽ trở thành một “hiện tượng”, giúp thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa hai bên lên gấp 2, thậm chí là 3 lần.
Tuy nhiên, điều mong muốn mà ông D.Trump và bà May đưa ra được dự báo là sẽ phải trải qua một hành trình dài trước khi cán đích. Bởi trên thực tế, Anh chưa thể khởi động đàm phán với các đối tác tiềm năng cho tới khi tiến trình Brexit hoàn tất, chưa kể tới việc kế hoạch để đưa Anh rời khỏi ngôi nhà chung EU sau hơn 40 năm gắn bó vẫn còn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Trong vài ngày tới, bà May sẽ tuyên bố từ chức, để lại những nhiệm vụ còn dang dở xung quanh câu chuyện về Brexit cho chủ nhân tiếp theo của “chiếc ghế nóng” tại ngôi nhà số 10 phố Downing.
Hiện một số chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo rằng, tiến trình đàm phán về thỏa thuận thương mại giữa Anh và Mỹ – một khi được khởi động chính thức, sẽ có nguy cơ kéo dài trong nhiều năm và bị cản trở bởi nhiều vấn đề chính trị gai góc. Thậm chí, Giáo sư về kinh doanh quốc tế tại Đại học Georgetown – ông Marc Busch còn tỏ ra thận trọng hơn khi cho rằng, dựa trên bối cảnh thực tế hiện nay, thì không có nhiều cơ sở cho việc đạt được một thỏa thuận thương mại giữa Anh và Mỹ.
EU đang là một đối tác kinh tế lớn nhất của Anh trong khi Mỹ chỉ đứng thứ hai. Theo số liệu thống kê do cơ quan chức năng Mỹ công bố, trong năm 2018, kim ngạch thương mại giữa nước này và Anh đạt 262 tỷ USD.
Hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh giữa Anh với các nước khác trên thế giới được thực hiện dựa trên những điều khoản đàm phán với EU - dưới vai trò điều phối các mối quan hệ thương mại giữa các nước thành viên trong khối với bên thứ 3. Chính vì thế, việc Anh rời khỏi EU cũng đồng nghĩa với việc nước này sẽ đứng trước ngưỡng cửa phải đàm phán về các thỏa thuận thương mại riêng.
Tuy nhiên, điều này cũng được cảnh báo là sẽ khiến Anh phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là những hậu quả xảy ra khi Anh tỏ ra “quá xa rời” EU trong tiến trình đàm phán.
Cụ thể, một kịch bản có thể xảy ra đó là việc các đối tác Mỹ sẽ tìm cách đạt được những nhượng bộ từ Anh, gồm cả những thay đổi trong tiêu chuẩn an toàn và môi trường đang trở nên phổ biến trong phạm vi EU. Điều này sẽ khiến mối quan hệ giữa Anh và đối tác thương mại lớn nhất này thêm xa cách, và cũng đồng nghĩa với việc những nỗ lực nhằm tránh kịch bản thiết lập một đường biên giới cứng giữa CH Ireland và tỉnh Bắc Ireland càng khó có triển vọng được thực hiện./.
Thu Lan (Theo CNN, Xinhua)